Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Bài 82; Bài 83 (Đạo xử thế).

Bài 82
Xét tâm chí ắt biết người

Phương pháp "xét tâm chí" là thông qua trò chuyện với đối phương để sát hạch tâm chí của họ. Nếu một người giữ khí nhu hoà, thần sắc cung kính mà không nịnh hót, lễ trước lời sau, thường tự mình chủ động biểu lộ điểm thiếu sót của mình, người như vậy có thể đem đến điều tốt cho mọi người; người nói năng lấn át người khác, lời nói muốn chiếm thế thượng phong, tìm cách che giấu khuyết điểm của mình, loại người này sẽ có hại cho người khác; người nói khoác lác, tâng bốc mình, thích nói chuyện trên trời dưới đất, là người gian hiểm.
Một người cung cách thẳng thắn mà không khinh mạn, lời lẽ chính trực mà không thiên vị, không che đậy mỹ đức của mình, cũng không che giấu cái xấu của mình, không giấu giếm sai lầm của mình, đây là người chất phác; không vì điều tốt mà tỏ ra cao hứng, cũng không vì điều xấu mà tỏ ra tức giận, trầm tĩnh ít nói, hay giữ chữ tín nhưng không biểu lộ ra bên ngoài, đây là người thuần hậu; không trang điểm chải chuốt, ăn mặc tả tơi, nói toàn chuyện thanh tĩnh vô vi, nói không tham danh cầu lợi, thực tế lại tham lam vô cùng, loại người này là nguỵ quân tử; người thích lấy lòng người khác, lời lẽ a dua nịnh hót, thích làm vẻ văn hoa, cố biểu hiện chút việc tốt không đáng, từ đó tỏ ra đắc ý, đây là loại người giả dối; trong lòng che giấu sự không thành thật rất lớn, chút thành thực nhỏ lại biểu hiện ra, nhằm đạt đến mục đích sâu hiểm, loại người này rất khó xét đoán.
Nếu một người lời nói và hành động không hợp với đạo nghĩa, nhưng họ rất được người khác ưa thích, người như thế nhất định là kẻ gian nịnh; nếu lời nói và hành động tuy không hẳn khiến người ta cao hứng, nhưng lại hợp với đạo nghĩa, người như vậy tất nhiên là chính nhân quân tử. Một người nếu tình cảm hỷ nộ không biểu hiện ra theo sự biến đổi của môi trường bên ngoài, gặp việc rối bời tuy trong lòng phiền loạn, nhưng tâm chí không bị mê hoặc, không vì lợi lộc cám dỗ mà động lòng, không cúi đầu trước sự uy hiếp của quyền thế, ấy loại người kiên trinh bất khuất, nội tâm bình tĩnh. Có được tiền của đủ để trở nên vẻ vang nhưng vẫn không vui sướng, gặp chuyện kinh sợ bất ngờ cũng không tỏ ra sợ hãi, một lòng vì chính nghĩa mà không nhục chí, đứng trước tiền của châu báu lòng không xao động, ấy mới là chính nhân quân tử chân chính.
Phương pháp chọn người của Khổng Tử là: không chọn người tham tiến thủ, vì tham tiến thủ chính là tham. Người có lòng tham, lòng dạ dễ thay đổi bởi tác động bên ngoài, gặp chuyện rắc rối lòng sinh phiền loạn, không giữ được bình tĩnh, thấy chút lợi nhỏ đã động lòng, bị uy hiếp thì khuất phục, loại người này tâm tính bỉ lậu và không có tâm huyết. Nếu tìm cách thuyết phục một người, người đó ý chí bị lay chuyển trước những lời thuyết phục động lòng, đã đáp ứng nhưng lại do dự không quyết, ấy là loại người tình cảm yếu đuối. Nếu một người ở trong môi trường khác nhau đều xử lý sự việc một cách quả đoán, lấy khả năng ứng biến vô cùng đối mặt với bao sự việc rắc rối nảy sinh, đây là loại người có trí tuệ, đầu óc.
Người thích khoe khoang điều tốt của mình, che giấu khuyết điểm của mình, làm quan hay ở ẩn đều vì công danh, nhất thiết không được cùng mưu đại sự với loại người này. Một người nếu không thể thích ứng với những biến đổi của tình huống, lại không nghe khuyên nhủ, cố giữ lấy một loại quan niệm mà không biết biến thông, cố chấp ý kiến của mình mà không biết sửa đổi, đấy là người ngu xuẩn, cố chấp.
Người giỏi ứng biến, đối với bất cứ mưu mô xảo trá nào đều có cách ứng phó; người không hiểu sự lý, đối với bất cứ điều quái gở nào cũng không kinh hoảng; người giỏi phân biệt lời hay ý phải, bất cứ lời nói ngon ngọt nào cũng không khiến họ bị mắc lừa; người tính cách nhân nghĩa sẽ không xao động lòng vì lợi. Cho nên, đặc điểm của một người quân tử tuy nỗ lực học tập, nhưng hành vi lại rất trung thực chất phác; màu sắc sặc sỡ không thể làm loá mắt họ, lời ngon tiếng ngọt không thể làm nhiễu loạn thính giác của họ; đem của cải của nước Tề, nước Lỗ cho họ cũng không thể làm lay chuyển chí hướng của họ; cho dù để họ sống hơn ngàn năm, phẩm hạnh cao thượng của họ cũng không thay đổi. Với nguyên tắc đó, họ một mực giữ đạo nghĩa, giữ tiết tháo, theo đuổi sự nghiệp thành công, lập nên công huân. Quan sát những khía cạnh khác nhau liên quan đến đạo đức và sự nghiệp, có thể phát hiện ra sự khác biệt cơ bản giữa người có trí tuệ và người ngu xuẩn. Nếu người khác nói gì cũng không nghe, tự tư tự lợi, lộ liễu trắng trợn, đảo lộn trắng đen, ấy hẳn là loại người thích vu cáo hãm hại người khác, đố kỵ người khác.
Người có tu dưỡng, luôn cố gắng đạt đến tinh thần sâu lắng, khí chất tốt đẹp, chí hướng cao xa, thái độ khiêm tốn cẩn thận. Chỉ có tinh thần u tĩnh mới có thể đi vào cảnh giới thần diệu, chỉ có tu dưỡng tốt mới có thể tôn sùng đạo đức và tiết tháo. Chí hướng cao xa mới có thể gánh vác trọng trách, khiêm tốn cẩn thận mới có thể đề phòng cảnh giác. Từ đó mà suy xét, người tâm nhỏ chí lớn là sánh ngang với bậc thánh hiền; người tâm lớn chí lớn là thuộc bậc hào kiệt; người tâm lớn chí nhỏ là kẻ cuồng vọng không biết trời cao đất dày, phóng đãng buông thả; người tâm nhỏ, chí nhỏ là kẻ tầm thường nhút nhát.

Lục Giả (Tay Hán)

Bài 83
Biết người không khó

Phái người đến nơi thật xa làm việc mới biết người đó có trung thành hay không, cho làm việc ở cạnh mình thì sẽ biết được họ có hết mình vì công việc hay không; giao cho công việc phức tạp mới thấy họ có tài năng xử lý công việc hay không; đột ngột nêu câu hỏi để quan sát cơ trí thế nào. Người có khả năng ứng biến liên tục không ngừng là người có mưu lược. Dùng biện pháp định ước vội vàng để xem họ có giữ chữ tín hay không, trong quá trình làm việc không che giấu điều gì, coi như có giữ chữ tín.
Biết người khó, nhưng không phải là không thể biết. Người xưa đưa ra nhiều phương pháp rất thực dụng, trong việc làm thế nào để hiểu rõ được người.
Nếu bạn muốn biết khả năng biểu đạt ngôn ngữ của một người, hãy đột ngột nêu ra các câu hỏi hiểm hóc. truy hỏi liên tục không nghỉ, cho đến khi nào đối phương không còn lời để nói, như vậy sẽ biết được khả năng ứng biến của đối phương; ngấm ngầm trù hoạch một số việc bí mật với người, sẽ biết được người đó có thành thật hay không; nêu câu hỏi nhiều lần có thể thấy được phẩm đức của họ như thế nào; để người ra ngoài giải quyết công việc có liên quan đến tiền tài, sẽ đánh giá được người đó có liêm khiết hay không; còn phương pháp khác là giao tiền tài cho họ, cho họ chi phối, như vậy ắt biết được họ có nhân nghĩa hay không, hoặc để cho họ tiếp cận với công việc dễ kiếm lợi, có thể biết được họ có liêm khiết hay không; dùng nữ sắc để dụ thử mới biết trinh tháo của con người; hoặc để người ở cạnh bên gái đẹp mới biết người có dâm loạn hay không; muốn biết một người có dũng khí hay không, hãy nói cho họ biết về công việc khó khăn, xem họ phản ứng thế nào; hoặc đột ngột nói với họ nguy hiểm sắp xảy ra, cũng có thể biết được dũng khí của họ; hoặc dù hoạ họ, xem họ biểu hiện như thế nào.
Khi đường tiến thân thuận lợi, xem người họ tôn kính là ai; khi hiển đạt xem mục tiêu họ truy cầu là gì; khi một người đạt địa vị cao phải xem người họ cất nhắc là ai; khi giàu có phải xem đối tượng họ giúp đỡ là ai. Nghe lời nói và quan sát hành động có thể biết người đó có nhân thiện hay không; nhìn một người thường xuyên tiếp cận với những thứ gì sẽ biết được sở thích của người đó; qua quan sát nơi ở của một người, có thể đoán được bạn bè của họ là những người nào, chí hướng ra sao; thường xuyên tiếp cận một người phải hiểu rõ chân ý của người đó nói; một người khi gặp rủi ro khốn cùng, phải xem họ không thích thứ gì, không dám làm điều gì, có làm chuyện xấu không; khi nghèo hèn họ không thích làm gì, như vậy có thể biết được họ có khí phách hay không; một người khi cao hứng ắt biết được họ có khả năng kiềm chế hoặc nói năng hành động tuỳ tiện hay không; khi khoái lạc mới biết họ ham thích gì; chọc người nổi giận mới biết bản tính tốt xấu của họ; hoặc dùng kẻ thù trêu tức họ mới biết họ là người thù dai hay không; lấy chuyện đau buồn để đo lòng nhân ái của con người, vì người có lòng nhân hậu, thấy người khác đau buồn cũng đau buồn theo; lấy gian nan khốn khổ để xét chí khí con người.
Người được trọng dụng, được sùng ái, phải xem họ kiêu xa, dâm dục không; người bị người đương quyền phế truất, phải xem họ có làm điều phải hay không; người sống âm thầm lặng lẽ, phải xem họ có sợ hãi hay không; người ở tuổi thanh thiếu niên phải xem họ có cung kính hiếu học và đối xử anh em hoà thuận hay không; ở người trung niên, phải xem họ có liêm khiết, cần cù, chí công vô tư hay không; ở người già, phải xem họ có suy nghĩ và hành động chín chắn thận trọng hay không. Giữa cha con, xem cha có từ ái không, con có hiếu thuận không; giữa anh em, xem họ có hoà thuận thân thiện hay không; giữa vua tôi xem vua có nhân ái hay không, bề tôi có trung thành hay không.
Cách biết người khó nhất chính là việc phân biệt thật giả. Nếu một người tu dưỡng theo phái Đạo gia thì họ nói năng tự nhiên, tôn sùng lẽ huyền diệu vô vi; nếu theo Nho gia, luôn chú trọng lễ nghĩa, tôn sùng công bằng chính trực; theo phái Tung hoành gia thì thích đàm luận quyền thế, cơ biến, tôn sùng cải cách, biến pháp. Bách gia chư tử mỗi người có một truy cầu khác nhau, mỗi người có một ưu điểm riêng, phân biệt về sự khác nhau giữa họ không phải là cái khó về biết người mà chúng ta nói. Khi một người im lặng bất động, làm sao biết họ sẽ hành động như thế nào? Khi một người nói chuyện làm sao biết ý chân chính họ muốn nói gì? Khi họ tham gia chính sự, sẽ lập nên công trạng như thế nào? Khi họ nhàn rỗi, học thức của họ như thế nào? Bốn tình huống trên tuy không giống nhau, nhưng quan sát kỹ vẫn có thể phát hiện sự khác nhau của nó, cho nên đó cũng không phải là cái khó mà chúng ta nói. Cái khó mà chúng ta nói: chính là có người nói lời ra đều trích dẫn từ kinh điển, mạch lạc rõ ràng, thực tế lại tìm căn cứ cho lý luận vì âm mưu gian trá của mình; lòng tham không đáy nhưng miệng lại nói trong sạch, liêm khiết; tàn hại chúng sinh lại nói mình nhân từ biết bao; nhút nhát bất tài lại nói mình anh dũng phi phàm; gian trá xảo quyệt nhưng luôn thề thốt thành khẩn; dâm đãng hiếu sắc lại làm ra vẻ kiên trinh. Các loại nguỵ quân tử trên đều có kỹ xảo lấy giả loạn thực, đánh lừa tai mắt mọi người. Người có đức hạnh cố gắng để nội tâm của mình thuần khiết, đối xử mọi người khiêm tốn ôn hoà, giữ mình ngay thẳng, chính trực. Rõ thông những điều ấy mới hiểu được phương pháp quan sát người chính xác. Bách gia Cửu lưu đều có nguyên tắc kiên trì nhất quán của họ. Nội tâm có phương pháp quan sát người chính xác, bên ngoài giữ lấy nguyên tắc, thì những kẻ tiểu nhân gian hiểm nguỵ trang thiên phương bách kế cũng sẽ không có chỗ dung thân.
Mọi người khi ngủ thì không thể phân biệt được ai là người mù; khi người ta không nói thì không thể biết được ai là kẻ câm. Sau khi tỉnh dậy để họ nhìn đồ vật, nêu câu hỏ để họ trả lời, khi đó người mù và câm không thể che giấu. Nhìn răng miệng, xem màu lông, cho dù tài giỏi đến mấy cũng không thể nhận ra đâu là con ngựa tốt, chỉ cần để cho ngựa kéo xe vượt đường trường thì dù người không giỏi tướng ngựa cũng biết nhận ra ngựa tốt hay ngựa xấu. Dựa vào bề mặt thanh kiếm để giám định thì cho dù giỏi xem kiếm như Âu Dã Tử cũng chưa chắc biết tốt xấu, chỉ cần dùng nó chém chó, giết ngựa ở trên đất, chặt đứt thuồng luồng ở dưới nước, thì cho dù là người ngu xuẩn cũng biết được kiếm tốt hay xấu. Từ đó có thể thấy, thông qua thực tiễn để quan sát thực giả của nhân vật và sự tình là phương pháp cao siêu nhất.

Phó Huyền (Đời Tấn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét