Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Bài 20; Bài 21 (Đạo xử thế).

Bài 20:
Thà người phụ ta, ta không phụ người

Tương xử với họ hàng, xóm làng và người thân, lời nói phải hoà nhã. Khi người ta không có ý mạo phạm, có thể dùng đạo lý để giải quyết; khi người khác quên lễ tiết, có thể dùng cảm tình để khoan thứ. Nếu người nhà có xung đột với người khác, trước hết nên tự trách mình. Thà người phụ ta, ta không phụ người. Những người hay nổi giận háo thắng, ắt sẽ chuốc hoạ vào thân.
Cư xử với mọi người, quan trọng nhất là phải khiêm tốn thành thực. Cùng người khác làm việc không nên tránh khó khăn mệt nhọc; cùng người khác ăn cơm chớ nên chọn hết những thứ ngon; cùng người khác đi đường, không nên giành đi toàn đường tốt; cùng người khác nằm ngủ, không nên chiếm hơn giường chiếu. Thà nhường người khác, không nên để người khác nhường mình; thà khoan dung người khác, không nên để người khác khoan dung mình; thà chịu thiệt hơn người khác không nên để người khác chịu thiệt hơn mình. Người khác có ân với mình, nên ghi nhớ suốt đời; người khác gây oán với mình, nên sớm quên đi. Thấy được ưu điểm của người khác, phải ca ngợi tán thưởng trước đám đông mọi người; biết được sai lầm của người khác, phải giữ kín miệng không thể nói ra. Người khác hơn mình, nên ngưỡng mộ kính trọng, không được ghen ghét đố kỵ; người khác thua mình, nên đối đãi khiêm tốn, không nên khinh miệt coi thường. Quan hệ với người khác càng ngày càng trở nên thân thiết. Noi theo những chuẩn tắc trên để lập thân xử thế, vô luận làm quan hay trị gia, đều không kết oán.
Đối xử với mọi người, phải có lòng khoan dung độ lượng, không yêu cầu sự khoan dung của người khác. Nhan Hồi bị mạo phạm không hề so tính, Mạnh Kha mỗi ngày phản tỉnh bản thân nhiều lần, tâm tính ổn định giống như vậy, không một chút ảnh hưởng, mới là chân chính độ lượng. Nếu một lời nói không vừa lòng, một sự việc trái ý, lập tức đùng đùng nổi giận, đây là hành động của kẻ thất phu vô học. Hàn Tín chịu nhục chui trôn, Trương Lương kiên nhẫn nhặt dép ở ngoài đầu cầu, đây là những anh hùng chịu nhẫn nhục để thành đại nghiệp.

Bàng Thượng Bằng (Đời Minh)
Bài 21:
"Lợi" là cái bóng của "Hại"

Tranh quyền ở triều đình, tranh lợi ở thương trường, tranh giành không biết dừng lại, liều lĩnh không sợ chết. Tiền tài có thể có ích cho con người, nhưng cũng có hại cho con người, chúng ta vì sao không thể hiểu được điều đó, để đến nỗi phải mất đi sinh mạng? Quyền chức có thể khiến người ta đắc chí, cũng có thể khiến người ta bị nhục, người ta vì sao không rõ được điều đó, để rồi bị sát hại. Người thông tuệ rất biết nhìn xa trông rộng, không tranh với ngoại vật, xem lợi ích như phấn thổ ô trọc, xem quyền lực nhẹ như lông hồng. Ô trọc thì không muốn tiếp cận, xem nhẹ thì bỏ đi không tiếc, tránh lợi thì không làm động lòng người, bỏ quyền thì thân không mang hoạ.
"Lợi" là cái thứ mà mọi người đều thích, "hại" là cái thứ mà mọi người đều sợ. "Lợi" là cái bóng của "hại", hình và bóng không thể rời nhau
, biết tránh sao đây? Tham cầu tiểu lợi mà quên đại hại, giống như mắc bệnh nan y khó trị. Rượu độc đựng đầy trong ly, người thèm rượu uống vào sẽ mất mạng lập tức, là vì họ chỉ biết thú vui uống rượu mà không biết độc trong rượu huỷ hoại cơ thể. Kim tiền quý bị đánh rơi trên đường, người tham tiền đua nhau tranh đoạt, để rồi bị bắt tống nhà giam, vì họ chỉ biết ra sức tranh giành mà không biết sẽ mang nỗi nhục ngồi nhà giam. Dùng dê dụ hổ, hổ tham miếng mồi mà quên cả tính mạng. Ngu Công vì tham thích ngọc đẹp do nước Tấn dâng tặng mà không phát hiện ra mưu kế của nước Tấn mượn đường đánh nước Quắc; Phù Sa vì say đắm sắc đẹp của Tây Thi nên thu dưỡng nàng ta, lại quên đi tai hại mất nước.
Hứa Danh Khuê (Đời Nguyên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét