Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Bài 16; bài 17 (Đạo xử thế).

Bài 16:
Bách chiến bách thắng không bằng nhẫn nhịn

Bách chiến bách thắng, không bằng nhẫn nhịn. Tuy bách chiến bách thắng, nhưng không an toàn bằng một chữ nhẫn. Chiến thắng tất sẽ gieo oán, nhẫn nhịn thì không bị hậu hoạ.
Ở trên đầu chữ NHẪN là chữ ĐẠO, nếu phẫn nộ nhất thời không nhẫn nhịn được thì sẽ chuốc lấy tai hoạ. Vì vậy, khuyên mọi người phàm sự gì cũng phải nên nhẫn nhịn.
Hành sự, không suy nghĩ được ba lần bảy lượt mà đã vội làm, cuối cùng sẽ hối hận; làm người nếu mọi việc đều biết nhẫn lại, tự nhiên sẽ đỡ ưu lo.
Nhịn đau dễ, nhịn ngứa khó; nhịn khóc dễ, nhịn cười khó; nhịn khổ dễ, nhịn sướng khó; nhịn bần tiện dễ, nhịn phú quý khó; nhịn uy vũ dễ, nhịn nhu mì khó; nhịn nóng giận dễ, nhịn vui đùa khó. Rằng những cái khó nhịn, càng phải đáng nhịn vậy.
Đối với việc nhỏ, nếu nhẫn nhịn được thì cố gắng nhẫn nhịn, nếu không thì việc nhỏ cũng biến thành vấn đề lớn. Có người do không kiềm chế được bản thân, nhất thời xung động và nổi giận, mà gây ra chuyện hối hận suốt đời.
Người ta nói đạo lý ở đời, điều quan trọng nhất là khéo nhẫn nhịn, nhưng nếu chỉ biết nhẫn nhịn mà không biết nhẫn nhịn như thế nào, thì sai lầm lại càng lớn. Nếu nhẫn nhịn mà có ý để bụng, người khác xúc phạm mình, mình im lặng đối phó, như vậy có thể kiên trì được một vài lần. Nhưng tích tiểu thành đại, đến lúc nào đó không thể kiềm chế được nữa, giống như dòng nước cuồng mãnh, không thể ngăn đỡ. Nhẫn nhịn như vậy chẳng bằng tìm cách hoá giải ngay từ ban đầu.
Việc nhỏ không nhịn thì hỏng việc lớn. Vào cuối thời Xuân Thu, Việt Vương Cầu Tiễn nếu không nhẫn nhịn nỗi khổ chăn ngựa ở nước Ngô, nỗi nhục nếm phân, thì đâu có cơ hội nổi đậy đánh bại Ngô Vương Phú Sai, trở thành vị bá chủ cuối thời Xuân Thu.
Hàn Tín ở Triều Hán, thuở còn nhỏ không biết lấy gì để mưu sinh, có khi phải giặt áo quần thuê để kiếm ăn. Một hôm, có một gã thiếu niên đồ phu ở phố Hoài Âm lăng nhục Hàn Tín, bắt Hàn Tín quỳ xuống bò chui qua háng gã ta. Với bản lĩnh như Hàn Tín, sẽ đủ sức vung một nhát dao giết chết gã thiếu niên vô lại kia. Nhưng trong lúc cơm ăn áo mặc chưa đủ, sự nghiệp chưa thành, Hàn Tín cố gắng nhẫn nhịn, chui qua háng gã trước mặt đông đúc mọi người. Về sau Hàn Tín giúp Lưu Bang tiêu diệt Hạng Võ, cuối cùng trở thành vị tướng quân nổi danh trong lịch sử Trung Quốc. Nếu bấy giờ Hàn Tín không nhịn nhục, nhất thời nổi giận giết chết kẻ ức hiếp kia, thì đâu trở thành vị tướng tài danh lẫy lừng.
Nếu muốn an thân lập mệnh ở đời, thành gia lập nghiệp ở xã hội, con người dưới mái hiên nhà không thể không cúi đầu. Khi thời cơ bất lợi, cúi đầu hạ mình là điều tất yếu. Miễn là không cam làm thân trâu ngựa, tạm thời nhẫn nại, tạm thời khuất phục, đó là sách lược tiến thủ để thực hiện đại nghiệp. Có như vậy mới có thể thực hiện được lời đề xướng của Gia Cát Lượng: "Đại trượng phu gặp lúc khó khăn quẫn bách chịu nhẫn nhục, đè nén, ở dưới người khác mà không phụ thân vân chi chí; đến khi đắc chí thắng thế không điên cuồng, không làm ô uế thanh danh, nắm bắt thời cơ để phát triển tài năng của mình".

Vương Dĩnh Khuê (Đời Thanh)
Bài 17:
Chung thân nhượng lộ không thiệt bước chân

Suốt đời nhường đường cho người khác, không thiệt một bước chân, suốt đời nhường bờ ruộng cho người khác, không mất một miếng đất. Khiêm nhường sẽ không khiến người ta mất mát.
Ra trường danh lợi, thiên hạ hướng về phía trước, còn ta hướng lùi lại, thoái nhường một bước, thì thân không gặp nguy hiểm, hưởng nhiều an lạc; vào chốn thị phi, thiên hạ dùng miệng nói, còn ta dùng tai nghe, cố gắng nhẫn lại, nghĩ kỹ rồi nói, thì mọi việc không mắc sai lầm, hoạ hoạn không giáng xuống đầu.
Xử thế nên lấy yếu làm mạnh, lấy thoái làm tiến, lấy khổ làm vui, đây là thủ đoạn xử thế rất cao minh.
Xử thế nhường một bước là tốt, nhượng bộ để phát triển lớn hơn kế hoạch dự định; đối xử mọi người khoan dung một tí là phúc, lợi của mọi người chính là căn cơ cho lợi của mình.
Người quân tử có thể chịu đựng được những điều mà người thường không thể chịu đựng được, khoan dung được những điều mà người thường không thể khoan dung, đặt chân đến được những nơi gian khổ mà người thường khó có thể tồn tại được.
Chỉ có bậc hiển minh mới biết hành động đúng thời cơ và biết dừng lại đúng lúc. Người mang hoài bão lớn, song biết nhẫn nại, nhịn nhục tạm thời, đó mới là bậc trượng phu.

Âu Dương Tu (Đời Tống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét