Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Bài 76; Bài 77 (Đạo xử thế)

Bài 76
Biết người biết mặt, càng phải biết lòng

Lòng người nham hiểm hơn núi sông, biết người còn khó hơn biết trời. Trời còn có xuân hạ thu đông và sáng tối; còn người, bên ngoài tỏ ra chân thực, nhưng thế giới nội tâm lại giữ kín, tàng ẩn không lộ, mấy ai lường được đáy lòng. Có người bên ngoài ôn hậu hiền lành, hành vi lại kiêu căng ngạo mạn, không có việc gì lợi mà không làm; có người bộ dạng như trưởng giả, thực ra lại là tiểu nhân; có người bên ngoài nhu mì, nhưng nội tâm lại cương trực; có người xem có vẻ kiên trinh, thực tế lại rất nhút nhát; nhiều người bên ngoài thế gian, cứ có các hiện tượng chân chân giả giả, hư hư thực thực như vậy, nếu không phải là bậc minh trí trong thiên hạ thì ai mà phân biệt rõ được? Bình tĩnh ung dung, nhưng trong lòng lại phiền não bất an.
Có người trông vẻ trang trọng, thực tế lại không đứng đắn; có người xem vẻ hiền lành đôn hậu, nhưng lại đi trộm cắp; có người bên ngoài cung cung kính kính, trong lòng lại luôn nguyền rủa miệt thị người khác; có người trông bộ chuyên tâm thành ý, thực ra lòng dạ lại thay đổi thất thường; có người trông vẻ xông xáo, thực ra lại chẳng làm nên việc gì; có người xem có vẻ quả cảm, quyết đoán, thực ra lại là loại người do dự, không quyết được việc gì; có người trông bộ ngu ngơ, ngược lại lại rất chân thực trung thành; có người trông chậm chạp, nhưng lại làm việc rất có hiệu quả; có người bên ngoài hung dữ mà trong lòng lại nhát gan; có người không biết gì nhưng lại hay coi thường người khác; có người không gì là không làm được, không gì là không thông, nhưng người đời lại coi thường họ, chỉ có thánh nhân biết coi trọng họ, người bình thường không thể hiểu rõ về họ, chỉ có người rất hiểu biết mới nhìn rõ chân tướng. Ở trên đều là các hiện tượng phức tạp không thống nhất giữa diện mạo bên ngoài và bản chất bên trong.
Người tuỳ tiện hứa hẹn, làm được lòng người khác, trên thực tế loại người này lại ít giữ chữ tín; người việc gì cũng nhúng tay vào giống như người đa tài đa nghệ, một khi cần họ thể hiện tài năng thực sự thì họ lại không thể nào thể hiện ra được; người quyết chí tiến thủ trông vẻ kiên quyết một lòng một dạ, nhưng loại người này lòng nhiệt tình lại không bền lâu; người bới lông tìm vết trông vẻ rất rạch ròi, trên thực tế chỉ chuốc thêm rắc rối; người hay đáp ứng thế này thế kia với người khác tựa như thích ban ân huệ cho người, nhưng loại người này thường nói không có suy nghĩ tính toán; người ở trước mặt ngoan ngoãn phục tùng có vẻ trung thành, nhưng loại người này đa số đều có lòng phản trắc. Đó đều là các ví dụ điển hình về "tưởng phải mà không phải". Cũng có nhiều trường hợp "tưởng không phải mà lại là phải" , các đại chính trị gia trông có vẻ gian trá, nhưng lại là những người có thể làm lên đại sự; người có trí tuệ trông tựa như người ngu ngốc, nhưng trong lòng lại mang chí nguyện lớn.
Nếu sự khác biệt giữa thông tuệ và ngu muội dễ phân biệt giống như hoa hồng và rau muống vậy, thì có gì mà không nhận ra? Nhưng thông tuệ và ngu dốt lại giống như cỏ sâu róm và mầm mạ vậy, thường tưởng là phải nhưng lại không phải, rất khó phân biệt.
Nếu sự khác biệt giữa người và người giống như núi Thái Sơn và con Kiến, như biển cả và lục địa, thì quá dễ phân biệt. Nhưng trên thực tế, muốn phân biệt người ngay và kẻ gian là rất khó.

Khổng Tử (Xuân Thu)

Bài 77
Người đắc đạo ở trên đời

Con người khi sống thì mềm, khi chết cơ thể trở nên cứng đờ. Vạn vật thảo mộc khi sống cây cành tươi mềm, khi chết cây cành trở nên khô héo. Bởi thế, thứ ngay cứng thuộc loại tử vong, còn thứ mềm mại thuộc loại sinh tồn. Do đó, quân đội lớn mạnh sẽ không thể giành lấy thắng lợi, cây to sẽ bị đẵn gỗ. Cứng rắn thường ở thế yếu, ngược lại mềm dẻo thường ở thế ưu.
Thứ mềm yếu nhất dưới gầm trời, thường có thể chế ngự thứ cứng rắn nhất dưới gầm trời. Lực lượng vô hình có thể xuyên thấu mọi thứ. Ta vì vậy nhận thức được nhiều điều tốt là do vô vi mang đến. Quả là, chỗ tốt của vô vi trong thiên hạ rất ít người theo kịp.
Quy luật của tự nhiên, lẽ nào không giống như đạo lý kéo dây cung bắn tên đó sao? Dây cung nằm hơi cao thì đè nó xuống thấp một tí, dây cung nằm hơi thấp thì nâng cao lên một tí; dây cung kéo quá căng thì cho nó chùn lại một tí; kéo chưa đủ căng thì cho nó căng thêm một tí. Quy luật tự nhiên là bớt chỗ dư để bù chỗ thiếu, quy tắc của xã hội lại không phải như vây, cứ lấy bớt chỗ vốn đã thiếu để cung phụng chỗ vốn đã dư. Có ai tự nguyện đem cái dư thừa để dâng tặng chỗ thiếu hụt của thiên hạ chưa? Chỉ có người "đắc đạo" mới làm được. Bởi vậy thánh nhân thúc đẩy vạn vật phát triển mà không kể công, công thành rồi mà không ở lại, không muốn biểu hiện thông minh tài cán của mình.

Lão Tử (Xuân Thu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét