Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Bài 34; bài 35 (Đạo xử thế)

Bài 34: Năm nhọt độc lớn tổn danh, hại thân

Mọi người cần khắc nhớ năm sai lầm lớn nhất làm tổn danh, hại thân, bôi nhọ tổ tiên, bại hoại gia phong:

Thứ nhất: Thích sung sướng an nhàn, không cam chịu cuộc sống đạm bạc, không chịu nghe ý kiến của người khác, rắp tâm làm những việc tự tâm tự lợi.

Thứ hai: Không hiểu học thuyết nho gia, không lấy làm hổ thẹn bởi không biết gì về kinh điển nho gia. Bản thân hiểu biết rất ít, lại ganh ghét người có học vấn.

Thứ ba: Ghét người hơn mình, thích người lấy lòng mình. Chỉ biết vui đùa cười cợt, không nghĩ đến đạo làm người đoan trang của người xưa. Nghe đến ưu điểm của người khác thì đố kỵ, nghe đến khuyết điểm của người khác thì rêu rao.

Thứ tư: Một mực chỉ muốn ăn ngon mặc đẹp, du sơn ngoạn thủy, lấy rượu làm cao nhã, xem lao động là nhục hèn, tạo thành thói quen này, nếu muốn tỉnh ngộ hối cãi là rất khó.

Thứ năm: Tham chức tham quyền, có chức quyền trong tay gây ra sự bất bình cho mọi người, như vậy khó giữ được chức vụ lâu dài.

Năm điều sai lầm trên còn nguy hại hơn cả nhọt độc. Nhọt độc còn có thể trị lành, còn năm điều sai lầm trên thầy thuốc cũng đành bó tay.

Đạo lập thân phải lấy hiếu thuận cha mẹ, tôn kính huynh trưởng làm nền tảng; cung kính, trầm tĩnh làm căn bản; cẩn thận, chu đáo làm cốt yếu; cần cù, tiết kiệm làm chuẩn tắc; lấy nhân thương, hòa thuận để giữ gia đình hạnh phúc; Lấy thành thực, cung kính để giữ tình cảm bằng hữu. Yêu cầu nghiêm khắc nhiều mặt đối với bản thân, vẫn sợ còn sơ suất; suy nghĩ ba lần mới nói, vẫn lo bị lỡ lời. Làm quan phải thanh liêm chính trực mới nói đến chấp pháp nghiêm minh; tuân thủ pháp lệnh mới nói đến bồi dưỡng nhân tài. Làm người ngay thẳng không đi tiếp cận việc họa. Lương bổng tuy ít, không được xem thường xương máu của bá tính; nắm quyền lớn trong tay, không được mặc ý hành động.

Liễu Tần (Đời Đường)

Bài 35: Gặp người chỉ nói ba phần lời

Gặp người chỉ nói ba phần lời, không được chút hết cả tấm lòng. Đó là kinh nghiệm xử thế của người xưa tránh để lời ra họa vào.

Đối với người lòng dạ khó lường, nói năng dè chừng, ta tạm thời không nên biểu lộ lòng chân thực; đối với người cố chấp bảo thủ, một mực tranh thắng, ta phải chú ý đề phòng lỡ lời. Thân ít mà lời nhiều, chút hết lòng dạ, cuối cùng đổi lấy những lời phỉ báng bạc đen, đây là điều mà mọi người lấy đó làm bài học.

Không biết mà nói là không sáng suốt, biết mà che giấu là không trung thành. Khi đáng im lặng lại nói, thì lời nói sẽ như bụi bẩn; khi đáng nói lại lặng im, thì sự lặng im này sẽ như bụi đất. Lúc không đáng nói lại đi bàn luận, đây là người có dụng ý khác; khi đáng nói lại không hé miệng một tiếng; đây là sự biểu hiện ngu đần.

Con người sở dĩ là người được là vì nó nói được. Gặp lúc nên nói lại không nên tiếng, sao có thể gọi là người?

Lúc nên nói lại không mở một lời, giống như chuông trống đánh không kêu, bất quá là thứ chuông trống phế bỏ vô dụng. Kết giao bằng hữu nhất định phải chọn bạn tốt, chưa hiểu nhau nhiều không được nghiêng lòng chút ruột.

Lúc tri âm dành cho người tri âm, không phải tri âm không lộ tâm tình. Trước mặt người thật không nói dối. Đối nhân xử thế, lời nói tối kỵ không giữ lại tí gì, thông minh tối kỵ dốc ra toàn bộ, việc tốt tối kỵ chiếm hết về mình.

Bàn luận về người khác chỉ nên tán dương ưu điểm của họ, đối với khuyết điểm của họ nên cho qua, không được nói toạc ra sai lầm của người khác. Như vậy không chỉ tu thân dưỡng đức mà còn đỡ chuốc lấy oán hận. Nếu muốn khuyên nhủ người khác, cũng chỉ nói một cách khéo léo, không được nói quá mức.

Bàng Thượng Bằng (Đời Minh).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét