Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Bài 46; Bài 47 (Đạo xử thế).

Bài 46:
Học tập phẩm chất của hiền nhân,
nhưng không bắt chiếc hành vi của hiền nhân.

Quân tử thẳng thắn, rộng rãi; tiểu nhân ích kỷ hẹp hòi. Liễu Hạ Huệ là hiền nhân nước Lỗ, một hôm dừng chân trú ngụ ở cổng thành, có một phụ nữ cũng đến trú chân. Liễu Hạ Huệ sợ người phụ nữ này chết cóng, bèn lấy y phục khoác ôm cô ta, trong lòng không hề có một chút tà tâm. Nước Lỗ lại có một người đàn ông sống đơn độc một mình, ở nhà hàng xóm cũng có người đàn bà goá sống một mình. Vào một tối nọ, mưa to gió lớn làm nhà người đàn bà xập đổ, thế là người đàn bà phải sang gõ cửa nhà người đàn ông xin vào ngủ nhờ, nhưng người đàn ông kiên quyết không đồng ý. Người đàn bà đứng trước cửa sổ nói rằng: "Ông quả là không có một chút tình người, vì sao không cho tôi vào?", Người đàn ông trả lời: "Ta nghe nói, nam nữ tuổi không quá 60 không được ở chung, nay ta và ngươi đều còn trẻ, cho nên ta không dám cho ngươi vào". Bà quả phụ tiếp lời: "Ông vì sao không giống như Liễu Hạ Huệ, ôm người con gái vào lòng mà tâm không loạn?". Người đàn ông đáp lại: "Liễu Hạ Huệ có thể làm được, còn ta không làm được. Nay ta lấy "cái không làm được" của ta để học "cái làm được" của Liễu Hạ Huệ".
Ta nghĩ, người học tập theo gương Liễu Hạ Huệ, không có người nào so được với người đàn ông trên? Học tập phẩm chất của hiền nhân mà không bắt chiếc hành vi của hiền nhân, đây cũng là một trong các biểu hiện của kẻ trí.

Khổng Tử (Xuân Thu).

Bài 47:
Nước vốn trong suốt, bùn đất làm nó vẩn đục.

Sáng tạo ra sinh mệnh là trời, nuôi dưỡng sinh mệnh lớn lên là người.
Nước vốn trong suốt, bùn đất làm cho nó vẩn đục, cho nên nước không thể giữ mình trong suốt; con người vốn sinh ra là có thể trường thọ, nhưng do tác động xấu của ngoại vật, vì vậy mà không thể trường thọ.
Ngoại vật là thứ dùng để bảo dưỡng sinh mệnh, vì thế không nên để hao tổn sinh mệnh khi truy cầu ngoại vật. Con người trong xã hội ngày nay đa số đều đánh đổi cái giá "hao phí sinh mệnh" để truy cầu lấy ngoại vật, đây chính là vì không biết điều khinh trọng. Không biết điều nào là khinh, là trọng thì sẽ lấy điều trọng làm khinh và lấy điều khinh làm trọng. Nếu như vậy thì vô luận, làm bất cứ việc gì cũng đều bị thất bại.
Đối với âm thanh, tai nghe phải cảm thấy vui vẻ, nếu nghe xong làm người ta ù điếc, thì nhất định không nên nghe; đối với màu sắc, mắt nhìn phải thấy thoái mái, nếu nhìn xong mà bị loá mù thì nhất định không nên nhìn; đối với thực phẩm, miệng ăn phải cảm thấy ngon, nếu ăn xong mà bị rối loạn bụng dạ thì nhất định không nên ăn. Do đó, thái độ của thánh nhân đối với thanh sắc từ vị là: thứ gì có lợi cho sinh mệnh thì nhận lấy, thứ gì mà có hại cho sinh mệnh thì từ bỏ nó, đây là nguyên tắc trọng yếu để bảo toàn, nuôi dưỡng và phát triển sinh mệnh con người. Người giàu có trong xã hội, đa số đều bị mê hoặc thanh sắc từ vị, ngày đêm cầu tìm, một khi được rồi thì say mê đắm chìm trong đó mà không thể tự thoát ra. Say mê đắm chìm không thể thoát ra thì sinh mệnh của họ làm sao lại không bị tổn hại được!
Một vạn người cùng gương cung tên nhằm bắn vào một cái bia, cái bia này không thể nào không bị bắn trúng. Vạn vật vô cùng phồn thịnh, nếu dùng nó để làm thương hại một sinh mệnh, thì sinh mệnh này không thể không bị tổn hại; nếu dùng nó để nuôi dưỡng một sinh mệnh, thì sinh mệnh này không có lẽ lại không thể phát triển trường cửu được.
Giàu có mà không thể hiểu được đạo dưỡng sinh toàn tính, đó là mầm mống gây ra tai hoạ, như vậy so ra lại không bằng kẻ nghèo hèn. Người nghèo hèn, khó có thể có được sự hưởng thụ vật chất quá mức; hơn nữa, cho dù có muốn hưởng thụ được đầy đủ quá mức thì cũng chẳng thể có được. Ra cửa cưỡi xe, vào cửa ngồi giá, tìm lấy sự an nhàn cho mình, đó là đầu mối của tai hoạ. Ăn thịt ngon, uống rượu nồng, ăn no vẫn gắng ăn, uống đủ vẫn gắng uống, đó gọi là ăn uống thủng ruột nát gan. Suốt ngày ham mê gái đẹp, chìm đắm trong sắc dục, sinh hoạt phòng the vô độ, đó gọi là liều thuốc độc huỷ hoại sinh mệnh. Ba tai hoạ trên đều là do giàu có mà không hiểu đạo dưỡng sinh toàn tính gây nên. Bởi thế, ngày xưa có người không chịu giàu có, như Hứa Do, Phương Hồi thời vua Nghiêu, Hùng Dao thời vua Thuấn, Bá Di thời Chu, vì họ coi trọng sinh mệnh của mình, không phải họ lấy hư danh khinh phú an bần để tự khoa trương, mà vì họ thấu hiểu rất rõ đạo dưỡng sinh. Đã như vậy, thế thì đạo lý nói trên không thể không xem xét.

Lã Bất Vi (Chiến Quốc)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét