Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

Công Tâm, Công Lương hay Công Thành.

Tôn Tử: "Thượng sách là công tâm; trung sách là công lương; hạ sách mới công thành". Công tâm đây là đánh vào lòng người, đánh vào lòng quân địch để khuất phục quân địch. Công lương đây là đánh vào lương thực, đánh vào kinh tế. Cuối cùng mới tới công thành tức là dùng đến quân sự, dàn quân đánh nhau hay gửi quân tới thành địch để tấn công. Người xưa còn nói thêm : "Người giỏi trong những người giỏi, đó là khuất phục quân địch mà không làm cho quân địch tan; chiếm được thành địch, nhưng không làm cho thành địch vỡ; lấy được nước địch, nhưng không làm cho nước địch bể". Một sử gia đã viết: “Những đế quốc và những triều đại bị sụp đổ, nguyên do chính là tự mình làm mình sụp đổ trước; sau đó mới tới nguyên nhân ngoại lai”. Chính Tôn Tử cũng có nói: “Hành không hợp đạo, ở không hợp nghĩa, thì dù ăn trước, ngồi trên, tai vạ tất cũng sẽ tới".

Khổng Tử và chu kì sống của con người.

Trong chương “Vi chính” sách “Luận ngữ”, Khổng Tử nói:

“Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ”.

Dịch nghĩa:

Hồi mười lăm tuổi, ta đã để hết tâm trí vào sự học; đến ba mươi tuổi, ta vững chí mà tiến trên đường đời; bốn mươi tuổi, tâm trí ta sáng suốt, hiểu rõ việc phải trái đạt được sự lý, chẳng còn nghi hoặc; qua năm mươi tuổi, ta biết mệnh trời, tức là lẽ đạo mầu nhiệm lưu hành trong thiên hạ; đến sáu mươi tuổi, những lời tiếng lọt vào tai, ta hiểu ngay, không cần tốn công suy nghĩ; đến bảy mươi tuổi, trong tâm ta dù có muốn điều gì cũng chẳng hề trái phép".

Những lời nói trên thể hiện tư tưởng về quy luật (chu kỳ) phát triển chung nhất của con người.


Khổng Tử. Ảnh minh họa

Đối với cuộc đời một con người, Khổng Tử đã đề xuất sáu chu kỳ sinh lý hay chu kỳ sinh mệnh cùng nhiệm vụ và mục tiêu phấn đấu tu dưỡng của mỗi chu kỳ. Có thể nói, đoạn văn trên là một bộ tự truyện, là sự phản tỉnh, là bản tổng kết, là những lời bộc bạch chân thực, là triết lý nhân sinh của Khổng Tử.

1. “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học”. Điểm mấu chốt, điểm cơ bản trong cuộc đời mỗi một con người là “lập chí”. “Chí” cũng tựa như hạt giống, có giống mới có thể nảy sinh rễ, thân, cành lá và hoa quả, mới phát triển thành cây cao bóng cả. “Chí” nói ở đây là mục tiêu theo đuổi, là điều tâm niệm không lúc nào rời. Chỉ có xác định rõ chí hướng, con người mới có thể dồn toàn tâm toàn lực theo đuổi chí hướng đó tới cùng. Khổng Tử mười lăm tuổi đã để hết tâm trí vào sự học, học những đạo lý cơ bản ở đời học “nhân”, “lễ” và “Thiên mệnh”, đó là sự nghiệp thiết thân trong suốt cả cuộc đời.

2. “Tam thập nhi lập”. “Lập” có nghĩa là thành đạt trên con đường học tập, hay nói đúng hơn là thấu hiểu những điều học tập, từ đó dẫn đến tin phục, hình thành niềm tin sắt đá. Niềm tin của Khổng Tử là “lễ” và “nhân”. “Lập” là trụ vững ở “Lễ” ở “nhân”. Điều gì không hợp “lễ chế”, không hợp “nhân đạo”, Khổng Tử kiên quyết gạt bỏ, khước từ.

3. “Tứ thập nhi bất hoặc”. “Lập” và “bất hoặc” là hai mặt gắn bó chặt chẽ với nhau. “Lập” ở những điều học được, từ đó hành động có tiêu chuẩn; có tiêu chuẩn sẽ có thể “bất hoặc”; “bất hoặc” mới có thể kiên định thực hành. Một cuộc đời như vậy mới không do dự, hồ đồ, thiếu cương quyết, lúc nào đầu óc cũng tỉnh táo, sáng suốt, ung dung, kiên định.

4. “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh”. Nếu như muốn “bất hoặc” không những phải “lập”, mà còn phải tiến tới “tri thiên mệnh”, tức “biết mệnh trời”. “Thiên mệnh” nói ở đây tức “Thiên Đạo” hay “Đạo trời” chỉ quy luật của vạn sự vạn vật, chỉ tính tất yếu khách quan. “Tri thiên mệnh” tức biết rõ sứ mệnh của mình, biết rõ tính tất yếu khách quan, có nghĩa là thuận theo trào lưu tiến hóa, theo xu thế tất yếu của thời đại, như vậy con người sẽ từ vương quốc tính tất yếu bước sang vương quốc tự do, cho dù làm bất cứ việc gì cũng đều thuận lợi và đi đến thành công. “Tri thiên mệnh” - đó là một cảnh giới nhân sinh cao cả nảy nở trên cái nền “lập” và “bất hoặc” nói ở trên.

5. “Lục thập nhi nhĩ thuận”. Con người lúc còn trẻ vốn sống ít, kinh nghiệm không nhiều, hiểu biết còn nông cạn, nên nhìn thấy gì, nghe thấy gì đều thấy không vừa ý, đều thấy bực mình, khó chịu, chướng tai gai mắt. Nhưng lúc đã tới tuổi sáu mươi, đã thấu suốt hết mọi lẽ đời, sẽ hiểu được cái lý đương nhiên của mọi chuyện trong thế thái nhân tình, lúc ấy tự nhiên sẽ ngộ ra rằng “chẳng có gì là lạ cả”, không cắt nghĩa nổi, thành thử cảm thấy thanh thản, ung dung, thuận tai, vừa mắt. Đây cũng chính là sự minh triết của những bậc thánh nhân.

6. “Thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ”. Tới tuổi cổ lai hy, con người thấu suốt hết mọi lẽ đời, mọi việc mình muốn, mình làm đều hợp đạo, không gì trái luân thường đạo lý, không gì chệch ra ngoài khuôn phép, quy củ, tâm tính và đạo trời hợp nhất, việc gì ta làm chính là thực hiện đạo trời. Không có cái gì gọi là quy củ mà lại không quy củ. Nên hai chữ quy củ thực ra là mượn quy củ để nói không cần quy củ...


Cuộc đời của mỗi con người suy cho cùng là một chuỗi chu kỳ nối tiếp, một tiến trình phát triển không ngừng từ tính tất yếu sang vương quốc tự do, con người không bao giờ dừng lại ở một mức độ nào, cần luôn luôn đột phá, vươn lên, sáng tạo, nâng cao và đổi mới, tiến tới những cảnh giới cao hơn. Minh triết dân gian khẳng định: “Con người là sản phẩm do chính con người tạo ra từ bản thân mình!”.

Theo Thế giới chúng ta.