Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Bài 4, bài 5 (Đạo xử thế).


Bài 4:
Xem xét tình thế, thừa cơ hành động.

Tướng lĩnh ngu dốt tầm thường muốn chiến thắng tướng lĩnh túc trí đa mưu, chỉ có thể nhờ vào thiên mệnh; tướng lĩnh túc trí đa mưu muốn chiến thắng tướng lĩnh ngu dốt tầm thường, đó là điều hết sức tự nhiên; tướng lính trí tuệ ngang nhau, giao tranh với nhau, một bên muốn giành lấy thắng lợi, phải dựa vào thời cơ nắm bắt. Sự tinh yếu của thời cơ có ba phương diện: một là "sự", hai là "thế", ba là "tình". Nếu đã phát hiện sự kiện có lợi cho phía ta, lại không chớp lấy thời cơ để lợi dụng là biểu hiện không sáng suốt; nếu tình thế biến hoá có lợi cho phía ta, lại không nắm bắt thời cơ chiến thắng địch nhân, đây là biểu hiện không tài giỏi; nếu sĩ khí và tình huống chuyển biến có lợi cho phía ta, lại không thừa cơ chế phục địch nhân, đây là biểu hiện không dũng cảm quả đoán. Một tướng lĩnh giỏi chỉ huy, nhất định sẽ phải dựa vào thời cơ có lợi để giành lấy thắng lợi cuối cùng.
Người hiểu rõ thời thế mới là bậc tuấn kiệt. Hiểu thời thế, giỏi biến thông, anh hùng làm nên chuyện lớn kinh thiên động địa phải như thế, người bình thường sống trong cuộc sống thường nhật cũng nên như vậy. Hiểu thời thế, mới có thể tuỳ cơ hành động; giỏi biến thông, mới có thể tìm lợi tránh hại. Người hiểu thời thế thường hoá dữ thành lành, hoá nguy thành an, chuyển bại thành thắng, biến bị động thành chủ động; người không hiểu thời thế thường gặp tai ương, hiểm hoạ, nguy hiểm rình rập, dễ gặp thất bại.
Cơ bất khả thất, thời bất tái lai. Phàm việc gì phải nắm bắt thời cơ có lợi nhất. Rèn sắt phải nhân lúc sắt được đốt đỏ mới ra sức đập gò; trồng hoa màu phải nhằm vào mùa tốt nhất mới gieo hạt xuống đồng; buôn bán phải nắm bắt lúc hàng hụt giá đắt mới tung hàng ra. Ở đời, người nào quyết đoán kịp thời, thừa cơ hành động thì người đó sẽ thắng; người nào chần chừ thiếu quả quyết, để mất thời cơ thì sẽ thua.

Gia Cát Lượng (Tam Quốc)
Bài 5:
Mọi chuyện xét quá kỹ không phải là bậc minh trí!


Nước quá trong suốt sẽ nuôi cá không được, người quá phân xét chi li sẽ không có bằng hữu.
Làm người không được quá đơn thuần sinh khiết, mà có lúc phải biết chịu đựng xấu xa ô nhục; đối nhân xử thế không được quá phân rõ yêu ghét, mà phải khoan dung với mọi người bất kể là thiện ác hiền ngu. Người quá thanh cao sẽ bị người đời ganh ghét; xử thế quá cao thượng sẽ bị mọi người cô lập.
Tâm tư phân biệt tốt xấu quá rõ ràng sẽ cảm thấy không có cái gì là thích hợp; tâm tư phân biệt kẻ giỏi người ngu quá rạch ròi sẽ không dễ gì gần gũi với mọi người.
Làm người ở đời chớ quá cao khiết và yêu cầu quá nghiêm khắc. Trong lòng tuy có phân biệt thị phi, nhưng cũng nên có lòng khoan dung rộng lượng. Đối với mọi người và mọi việc, không được bắt bẻ quá khắt khe.
Mọi chuyện xét quá kỹ không phải là bậc minh trí, nên căn cứ vào từng tình huống, việc gì đáng xét thì xét, việc không đáng xét thì bỏ qua, như vậy mới gọi là minh trí! Những người ở mỗi trận chiến đều muốn chiến thắng không phải là dũng cảm, nên tuỳ theo từng tình huống, đáng thắng thì thắng, không đáng thắng thì không đi tranh thắng, như vậy mới là dũng cảm.
Ban Cố (Đời Hán)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét