Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Bài 24; Bài 25 (Đạo xử thế).

Bài 24:
Chim cút đâu biết chí phượng hoàng.

Người có thị lực như nhau mới nhìn thấy sự vật như nhau, người có thính lực như nhau mới nghe thấy âm thanh như nhau. Người đồng tâm đồng đức mới có thể tương thân tương ái. Âm thanh tần số như nhau, cho dù ở nơi khác nhau cũng sẽ tưng hỗ hô ứng. Cùng chung chí hướng mới tán thưởng nhau, không cùng chí hướng sẽ bài xích nhau. Làm sao chứng minh được điều này?
Sở Tương Vương hỏi Tống Ngọc rằng: "Tiên sinh chẳng phải nơi nào cũng làm giỏi? Vì sao nhiều người không khâm phục tiên sinh?" Tống Ngọc trả lời: "Trong chim có phượng hoàng, trong cá có kình ngư. Phượng hoàng tung cánh bay lên chín vạn dặm tầng mây, sải cánh giữa trời xanh, con chim cút kia ở trong lồng làm sao biết trời cao thấp? Kình ngư buổi sáng bơi ở Côn Lôn, chiều trú ngụ ở Mạnh Tân, con cá nhỏ sống trong ao nước làm sao biết được biển rộng lớn bao nhiêu? Không chỉ trong chim có phượng hoàng, trong cá có kình ngư, mà trong kẻ sỹ cũng có người giống như phượng hoàng và kình ngư. Thánh nhân tâm chí cao vời vợi, siêu nhiên một mình. Người thế tục làm sao hiểu được việc làm của ta".
Thiện ác của thế gian là không dễ gì hiểu được. Nếu không phải là người thông tuệ thì khó phân biệt ranh giới giữa thiện và ác. Văn chương bị người ta chê cười không hẳn là không hay, bị các bậc như Dương Hùng, Tư Mã Thiên chê cười mới thật sự là không hay. Đại thần bị vua Kiệt, vua Trụ phế bỏ thì không hẳn là ngu xuẩn thật sự; bị vua Nghiêu, vua Thuấn phế bỏ mới là bất tài thật sự. Lời nói xấu và lời khen ngợi của thế tục quả thực không đáng tin. Người trí tuệ sống chung với người thường, không thể làm thầy của họ; người tài nghệ cùng sống với người thường, không thể thi thố tài năng. Lão Tử có nói: "Kẻ phàm phu tục tử khi nghe đến "đại đạo" sẽ cười to, nếu họ không cười to thì không phải là "đạo" nữa rồi". Bởi thế có câu: điều mà người ta thường chế giễu chê cười chính là điều mà thánh nhân coi trọng.
Triệu Nhuy (Đời Đường)
Bài 25: Chuẩn tắc xử thế: Thứ, bình, cung, thủ

Chuẩn tắc xử thế khó nhất trên đời, mọi người lại rất ít thực hiện, gồm có bốn điều: đó là thứ (khoan thứ), bình (bình hòa), cung (cung kính) và thủ (giữ lòng tin). Thứ là căn bản của nhân, bình là căn bản của nghĩa, cung là căn bản của lễ, thủ là căn bản của tín. Người thực hiện được bốn điều trên mới gọi là hiền nhân. Bốn điều căn bản trên không thể thực hiện, thì bốn phẩm hạnh không thể dưỡng thành, người không có phẩm hạnh gọi là tiểu nhân.

Thứ có nghĩa là: Quân tử đánh giá người phải xuất phát từ lòng mình, hành vi phải xuất phát từ tâm. Bản thân có chỗ chưa hoàn thiện, không đi yêu cầu người khác; bản thân có chỗ hơn người, không chê cười người khác. Mình muốn được kính trọng, phải đối xử mọi người có lễ tiết; mình muốn được mọi người yêu thích phải đối đãi người khác có ân tình. Bản thân muốn tiến thủ, nhường người khác tiến thủ trước; bản thân muốn hiển đạt, nhường người khác hiển đạt trước. Khi người khác quan tâm đến ta, ta sẽ cảm thấy ấm lòng, thế thì ta cũng phải biết lo nghĩ nhiều đến người khác; khi người khác bỏ quên ta, ta tự nhiên cảm thấy căm ghét, thế thì ta phải thường xuyên nhớ nghĩ đến người khác.

Bình có nghĩa là: Trong lòng luôn giữ bình tĩnh, ổn định, bên ngoài giữ nguyên tắc công bằng chính trực. Đánh giá người khác phải căn cứ vào phẩm đức, lời nói và việc làm của họ, phê bình và khen ngợi người khác phải căn cứ tình huống khách quan, không hùa theo thế tục, cũng không nên bàn luận không có căn cứ. Không nên thấy nghèo khó mà coi khinh, không nên vì giàu mà xa lánh. Không nên nịnh hót bề trên mà xem thường bề dưới, không ghét bỏ bạn cũ mà kính trọng bạn mới.

Cung có nghĩa là: Bên trong không được ngạo mạn với người trong nhà, bên ngoài không được ngang ngược với mọi người. Gặp người nghèo hèn cũng giống như gặp người tôn quý, đối đãi kẻ dưới cũng giống như đối đãi bề trên. Giao tiếp với người lễ tiết đi trước, lời nói đi sau. Người khác có tình ý ân huệ với mình nhất định phải đáp trả, người khác lễ mạo tôn kính với mình nhất định phải đáp lễ. Đối xử với mọi người nên khiêm nhường, an tâm với chức vị thấp hèn, chấp nhận cuộc sống đạm bạc.

Thủ có nghĩa là: Giữ lòng thành, hành vi chuẩn mực, giữ lập trường kiên định, giữ vững lòng tin, không đi theo con đường lầm lạc, không bị mê hoặc bởi miệng lưỡi thế gian, lòng vững chãi giống như sắt đá, không hề bị lung lạc.

Bốn loại phẩm hạnh trên, nói nhẹ thì như lông hồng, nói nặng thì tựa núi Thái Sơn. Người quân tử cho rằng dễ thực hiện, kẻ tiểu nhân thực hiện lại rất khó.

Vương Phù (Đông Hán)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét