Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Bài 72; Bài 73 (Đạo xử thế)

Bài 72
Thành đạt sớm không hẳn là điều tốt

Phàm sinh vật gì, trưởng thành sớm thì tử vong nhanh, ngược lại trưởng thành muộn thì kết cục sẽ tốt. Cây nở hoa buổi sáng, về chiều sẽ héo tàn; tùng bách tốt tươi, vào mùa đông giá rét cũng không khô rụng. Vì thế, người có đức hạnh cao thượng không mong thành đạt sớm, không nôn nóng và khinh suất. Như Phạm Văn Tử tự khoe khoang trước sứ thần nước Tần ở triều đình, bị Phạm Vũ Tử ra tay trừng phạt, thậm chí đánh rơi trâm trên mũ ông ta, dạy cho ông ta bài học về tội lấn át tài năng của người khác. Một người có sở trường, rất ít ai không khoe khoang; có tài năng, rất ít người không kiêu ngạo. Khoe khoang mình thì che lấp sở trường của người khác; kiêu ngạo thì làm tổn thương đến lòng tự tôn của người khác. Người lấn át sở trường của người khác, người khác sẽ đả kích họ; người lăng nhục người khác, sẽ bị người khác công kích. Sở dĩ Khích Chí Đẳng bị Tấn Lệ Công sát hại, còn Vương thúc Trần Sinh thì tự chịu tội trước Chu Vương, đây không phải là do kiêu ngạo, tự khoe khoang, háo thắng mà đắc tội đó sao? Người có đức hạnh không tự khoe khoang mình, đây không phải là biểu hiện sự khiêm nhường đối với người khác, mà là đề phòng che lấp sở trường của người khác. Nếu có thể lấy thoái làm tiến, lấy khiêm làm dược, lấy yếu làm mạnh thì rất ít trường hợp không thành công. Ca tụng và phỉ báng là nguồn gốc nảy sinh thiện cảm và ác cảm, cũng là mầm mống gây ra hoạ và phúc, cho nên thánh nhân rất thận trọng đối với điều này. Khổng Tử nói: "Ta đối đãi người khác, có phỉ báng ai chưa? Ca tụng ai chưa? Nếu có thì quan sát qua ta nhất định sẽ biết". Lại nói: "Tử Cống mỉa mai người khác, bản thân anh ta hoàn thiện đến thế rồi sao? Ta thì không rỗi công đâu mà đi bàn luận chuyện tốt xấu ở người khác". Bằng đức hạnh của thánh nhân cũng còn thận trọng như vậy, huống hồ là loại người tầm thường, có thể coi thường việc phỉ báng và ca tụng được sao?

Trần Thọ (Đời Tấn)

Bài 73
Phải tôn trọng việc riêng của người khác

Bóc mở thư riêng của người khác, mở tín vật của người khác, đây quả thực là hành vi thiếu đạo đức, thậm chí vì vậy mà sẽ bị gây thù kết oán. Cùng ngồi với khách hoặc đến nhà người khác, thấy họ nhận được thư của người thân, nhất thiết không được đến gần để xem hoặc liếc mắt nhìn trộm, nếu đang ngồi sát cạnh bên thì nên đứng dậy đi sang chỗ khác, đợi họ cất thư xong mới tiếp tục ngồi xuống trò chuyện. Nếu họ đặt thư ở bàn, cũng không nên cầm thư xem, mà phải đợi họ nói "cứ xem đi" mới có thể cầm xem. Cho dù chuyện trong thư không đáng, hoặc có chuyện buồn cười, không được ra ngoài nói chuyện với người khác.
Mượn sách vở hay đồ dùng của người khác, phải trân trọng giữ gìn hơn đồ của mình. Sách vở xem xong, đồ dùng làm xong phải lập tức trả lại cho chủ, không được có ý chiếm giữ làm đồ của mình hoặc không bảo quản cẩn thận làm hư hỏng. Thường nói người hào phóng không quý trọng đồ của mình, nhưng mượn đồ của người khác lẽ nào cũng như vậy? Đó không phải là hành động khẳng khái hào phóng, mà là một loại biểu hiện thiếu đạo đức, thiếu văn hoá.
Ở cùng phòng với người khác, lúc nóng chọn ngồi chỗ mát nhất, lúc lạnh chọn ngồi chỗ ấm nhất; ăn cùng mâm với người khác, ăn trước, ăn nhiều, chọn hết món ăn ngon, đây cũng là biểu hiện thiếu đạo đức, thiếu văn hoá.
Hàn Kỳ khi làm Kinh lược ở Thiểm Tây, giữa hai người Doãn Sư Lỗ và Hạ Anh Công rất ít qua lại với nhau, quan hệ không mấy hoà hợp. Sư Lỗ nói chuyện về Anh Công trước mặt Hàn Kỳ, Anh Công cũng nói chuyện về Sư Lỗ trước mặt Hàn Kỳ, hai người đều nói những lời của họ mà không biểu lộ ý kiến của mình, thế là mọi người bình an vô sự, nếu không thì giữa họ không thể yên ổn.

Lã Tổ Khiêm (Đời Tống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét