Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Bài 10; Bài 11 (Đạo xử thế).

Bài 10:
Quân tử xử thế nên lấy hành vi bản thân làm chính

Người quân tử khi yêu cầu người khác, thì chiếu theo tiêu chuẩn của người bình thường; còn với bản thân, thì yêu cầu lấy "nghĩa" làm trọng. Yêu cầu người khác chiếu theo tiêu chuẩn của người bình thường thì sẽ dễ đạt được như ý, dễ đạt được như ý sẽ được mọi người ủng hộ; yêu cầu bản thân lấy nghĩa làm trọng sẽ không dám những việc sai trái, mà không làm việc sai trái là hành vi chính trực. Người có phẩm chất như vậy sẽ thừa sức gánh vác đại sự nghiệp trong thiên hạ. Kẻ tiểu nhân thì không như vậy, họ yêu cầu người khác phải lấy "nghĩa" làm tiêu chuẩn, yêu cầu với mình thì lại theo tiêu chuẩn của người bình thường. Yêu cầu người khác lấy "nghĩa" theo tiêu chuẩn sẽ rất khó đạt được, do khó đạt được nên khiến cả người thân cũng phải ra đi; yêu cầu bản thân thì theo tiêu chuẩn của người bình thường, do vậy rất dễ thực hiện, từ chỗ rất dễ thực hiện nên mặc ý mà làm. Người như vậy cuối cùng đi đến đâu cũng không có chốn dung thân, tự chuốc lấy hiểm hoạ, thậm chí còn khiến quốc gia bại vong theo.
Lấy leo núi làm ví dụ, người leo núi đã đến nơi rất cao, nhưng ngước mắt nhìn, vẫn thấy có nhiều người cao hơn. Người quân tử xử thế cũng tương tự như vậy, cảm thấy bản thân đã tài giỏi, phẩm hạnh cũng rất cao thượng, nhưng nhìn chung quanh, vẫn thấy nhiều người hơn mình.
Người hành đạo cho dù được tôn quý lên làm thiên tử cũng không kiêu căng, ngạo mạn; giàu có bậc nhất thiên hạ cũng không phóng túng, xa xỉ; rớt xuống làm thân ăn mày cũng không buồn tủi, tự ti; bần cùng đến độ không cơm ăn, áo mặc cũng không sầu khổ, hoang mang.
Quân tử xử thế nên lấy hành vi của mình làm chính, tôn kính người khác nhưng không đòi người khác phải tôn kính lại mình. Tôn kính và yêu thích người khác là việc của mình, còn được người khác yêu thích mình hay không, là việc của người khác. Đối với sự thành bại được mất, người quân tử phải dựa vào mình để xử lý, không nên dựa vào người khác, chủ yếu phải là chính mình.
Người quân tử không nên mong vào sự may rủi, không làm việc cẩu thả, phải xem xét kỹ khả năng của mình sau đó mới tiếp nhận chức vụ; đảm nhận chức vụ sau đó mới hành động.
Lã Bất Vi (Chiến Quốc).

Bài 11:
Quân tử thà vụng chớ khéo

Cho dù mười câu nói đúng đến chín câu cũng chưa chắc đã có người tán thưởng bạn, nhưng nếu bạn nói sai một câu thì sẽ bị người khác chỉ trích; cho dù mười lần thực hiện mưu kế, bạn có đến chín lần thành công cũng chưa chắc bạn đã được phong thưởng, nhưng chỉ cần một lần mưu kế thất bại thì bao nhiêu trách móc, oán hận sẽ đổ lên đầu bạn. Do vậy, bậc quân tử có tu dưỡng thà giữ im lặng không nói, chứ không tuỳ tiện nói bậy; biểu lộ bên ngoài tuyệt đối không xung động nóng vội. Làm việc gì thà tỏ ra vụng một tý, tuyệt đối không được làm ra vẻ thông minh hơn người.
Có một lần, Tử Lộ ăn mặc chỉnh tề đến bái kiến Khổng Tử. Khổng Tử nói: "Này Trọng Do (tức Tử Lộ), ngươi áo mũ chỉnh tề như vậy để làm gì? Trước đây sông Trường Giang bắt nguồn từ Mãn Sơn, nước từ nơi bắt đầu khởi nguồn rất ít, chỉ có thể nâng nổi ly rượu, chảy đến cửa sông nước sâu rộng mênh mông, nếu không kết hai chiếc thuyền lại thành một để tránh gió to, sóng lớn thì không thể vượt qua, chẳng phải bởi nước lớn đó sao? Hôm nay, ngươi ăn mặc chỉnh tề, nét mặt lại tỏ ra đắc ý, thế thì trong thiên hạ còn có ai muốn khuyên nhủ ngươi chứ? Tử Lộ vội lùi ra ngoài, thay y phục mộc mạc giản dị rồi đi vào, tỏ ra nghe lời. Khổng Tử nói: "Trọng Do, ngươi nên nhớ rằng, làm ra vẻ thông minh tài cán, đó là tiểu nhân. Người quân tử biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, đó là yếu lĩnh của lời lẽ; có khả năng thì nói là có khả năng, không có khả năng thì nói là không có khả năng, đó là chuẩn tắc của hành vi. Nói năng có yếu lĩnh, đó chính là trí; hành vi có chuẩn tắc, đó chính là nhân. Lời nói và hành vi vừa trí lại vừa nhân, thế thì còn chỗ nào thiếu sót nữa"

Hồng Ưng Minh (Đời Minh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét