Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Mục lục 83 bài về Đạo xử thế

  1. Đạo xử thế - Thay lời tựa; Bài 1!
  2. Bài 2; Bài 3 (Đạo xử thế).
  3. Bài 4, bài 5 (Đạo xử thế).
  4. Bài 6, bài 7 (Đạo xử thế).
  5. Bài 8; Bài 9 (Đạo xử thế).
  6. Bài 10; Bài 11 (Đạo xử thế).
  7. Bài 12; bài 13 (Đạo xử thế).
  8. Bài 14; bài 15 (Đạo xử thế).
  9. Bài 16; bài 17 (Đạo xử thế).
  10. Bài 18; bài 19 (Đạo xử thế).
  11. Bài 20; Bài 21 (Đạo xử thế).
  12. Bài 22; Bài 23 (Đạo xử thế).
  13. Bài 24; Bài 25 (Đạo xử thế).
  14. Bài 26; Bài 27 (Đạo xử thế).
  15. Bài 28; Bài 29 (Đạo xử thế)
  16. Bài 30; Bài 31 (Đạo xử thế)
  17. Bài 32; Bài 33 (Đạo xử thế)
  18. Bài 34; bài 35 (Đạo xử thế)
  19. Bài 36; Bài 37 (Đạo xử thế).
  20. Bài 38; Bài 39 (Đạo xử thế)
  21. Bài 40; Bài 41 (Đạo xử thế)
  22. Bài 42; Bài 43 (Đạo xử thế)
  23. Bài 44; bài 45 (Đạo xử thế)
  24. Bài 46; Bài 47 (Đạo xử thế).
  25. Bài 48; Bài 49 (Đạo xử thế)
  26. Bài 50; Bài 51(Đạo xử thế)
  27. Bài 52; Bài 53 (Đạo xử thế)
  28. Bài 54; Bài 55 (Đạo xử thế)
  29. Bài 56; Bài 57 (Đạo xử thế)
  30. Bài 58; Bài 59 (Đạo xử thế)
  31. Bài 60; Bài 61 (Đạo xử thế)
  32. Bài 62; Bài 63 (Đạo xử thế)
  33. Bài 64; Bài 65 (Đạo xử thế)
  34. Bài 66; Bài 67 (Đạo xử thế)
  35. Bài 68; Bài 69 (Đạo xử thế)
  36. Bài 70; Bài 71 (Đạo xử thế)
  37. Bài 72; Bài 73 (Đạo xử thế)
  38. Bài 74; Bài 75 (Đạo xử thế)
  39. Bài 76; Bài 77 (Đạo xử thế)
  40. Bài 78; Bài 79 (Đạo xử thế)
  41. Bài 80; Bài 81 (Đạo xử thế).
  42. Bài 82; Bài 83 (Đạo xử thế).

Đạo xử thế - Thay lời tựa; Bài 1!

Sách thánh hiền
Đạo xử thế

Thay lời tựa!
Trong tất cả các quyển sách mà tôi đã được đọc, sách thánh hiền "Đạo xử thế" của người Trung Quốc cổ xưa là hay. Vì thế tôi muốn đưa nó lên trên trang Blog này để giới thiệu với các bạn bè gần xa. Rất mong các bạn vào xem và cho ý kiến tham gia đóng góp! Xin cảm ơn!

Bài 1:
Chuyện lớn trong thiên hạ bắt đầu từ chuyện nhỏ.


Sự vật khi còn an định thì dễ nắm giữ; vấn đề khi chưa phát sinh thì dễ đối phó; thứ gì khi còn mềm yếu thì dễ hoá giải; vật gì khi còn nhỏ bé thì dễ tiêu tán. Làm việc gì, phải làm khi vấn đề còn chưa phát sinh; trị biến loạn, phải trị khi biến loạn chưa xảy ra. Cây đại thụ to cả một ôm, cũng bắt đầu từ cái mầm nhỏ bé; núi đất cao lớn nguy nga cũng bắt đầu từ nắm đất chất thành; đi xa vạn dặm cũng bắt đầu từ bước chân đầu tiên. Người nào tuỳ ý làm càn, người đó sẽ làm hỏng chuyện; người nào cố sức ôm giữ, người đó sẽ mất tất cả. Bởi vậy, người đời hành sự thường đến khi gần đạt được thành công lại bị thất bại. Nếu sự tình khi kết thúc cũng xử lý thận trọng như khi mới bắt đầu thì sẽ không làm hỏng chuyện. Vì thế, ham muốn của thánh nhân chính là không có ham muốn, họ không coi trọng vật phẩm quý hiếm; học vấn của thánh nhân chính là không có học vấn, họ tìm cách bỏ khuyết các sai lầm mà người thường mắc phải, hỗ trợ vạn vật phát triển tự nhiên mà không ai miễn cưỡng can dự vào.

Phải biết lấy việc nhỏ làm thành việc lớn, lấy điều nhỏ nhắn không đáng làm để làm thành điều lớn lao, biến cái vô vị thành cái có ý nghĩa. Phải giỏi lấy nhỏ làm lớn, lấy ít làm nhiều. Giải quyết vấn đề khó khăn phải bắt đầu từ chỗ dễ; thực hiện sự nghiệp lớn lao phải bắt đầu từ việc nhỏ. Việc khó trong thiên hạ nhất định bắt đầu từ cái dễ; việc lớn trong thiên hạ nhất định bắt đầu từ việc nhỏ. Bởi thế, thánh nhân không bao giờ tự cho mình là lớn, từ đó mới làm nên những điều vĩ đại. Một số người tuỳ tiện hứa hẹn với người khác, không giữ chữ tín, họ xem sự việc quá dễ dãi, tất phải gặp khó khăn; còn thánh nhân, thường chú trọng khó khăn cao độ, cho nên họ không bao giờ gặp bất cứ khó khăn nào.

Lão Tử (Xuân Thu).

Bài 2; Bài 3 (Đạo xử thế).

Bài 2:
Đức hạnh cao cả giống như nước

Đức hạnh cao cả sẽ giống như nước vậy. Nước luôn luôn giúp đỡ vạn vật sinh trưởng mà không tranh giành với vạn vật, nó luôn dừng lại ở những chỗ mà mọi người không thích, nên rất gần với "đạo". Người có đức hạnh tiến, thoái, ở, đi chấp nhận chỗ thấp hèn giống như nước vậy; lập chí tồn tâm, phải sâu rộng bao la giống như nước; kết giao bằng hữu, phải nhân ái tương thân giống như nước; bộc lộ lời nói phải thành thật giữ tín giống như nước. Người đức hạnh làm chính sự phải đâu ra đó giống như nước; xử lý công việc, phải không có gì làm được giống như nước; về hành động, phải chớp lấy thời cơ giống như nước.
Không có gì mềm yếu bằng nước, nhưng về sức công phá mạnh mẽ thì không có gì hơn được nó. Nhỏ yếu có thể chiến thắng lớn mạnh, mềm mỏng có thể chiến thắng cứng rắn, đạo lý này trong thiên hạ không ai không biết nhưng ít mấy ai thực hiện theo đó. Vì thế, thánh nhân có nói: "người gánh chịu nỗi khuất nhục của cả nước, mới có thể làm vua của một nước; người gánh chịu được mối tai hoạ của một nước mới có thể làm chúa tể thiên hạ".
Lão Tử (Xuân Thu)

Bài 3:
Tĩnh tâm khổ luyện, bí mật thành công sẽ tự tìm đến.

Tự nhận biết bản thân có điều không biết, thái độ đó khó có được. Có người rõ ràng không biết nhưng lại tự cho là biết. Rất nhiều sự vật xem ra tưởng là vậy, nhưng thực ra hoàn toàn không phải vậy; tưởng chừng biết rõ nhưng thực ra hoàn toàn chẳng biết, cho nên chuyện vong quốc hại dân đã không ngừng phát sinh.
Tốc độ của tên bay rất nhanh, nhưng tầm bắn lại không quá hai dặm, vì nó bay một đoạn sẽ dừng lại; tốc độ bước đi rất chậm, nhưng có thể đi đến mấy trăm dặm, vì bước đi không ngừng. Vô luận làm việc gì, điều quý ở chỗ kiên trì đến cùng, chỉ cần giữ được thái độ đó thì cho dù người bình thường có thể đạt được thành tích rất tốt.
Giả sử con hoẵng chạy nhanh như bay, ngựa đuổi không kịp, nhưng chẳng mấy chốc nó bị tóm, vì nó thỉnh thoảng quay đầu nhìn. Làm bất cứ việc gì, nhất là học tập, đều phải tập trung ý chí không được lơ đãng.
Con tuấn mã ngày vượt ngàn dặm, là nhờ chiếc xe nhẹ; vác nhiều chở nặng đi một ngày không đến vài dặm, vì vác chở quá sức. Bất luận làm việc gì, kể cả học tập, đều không được gánh vác quá sức, nếu không thì cho dù người có bản lĩnh đến đâu cũng sẽ bị gục ngã.
Tuân Tử (Chiến Quốc)

Bài 4, bài 5 (Đạo xử thế).


Bài 4:
Xem xét tình thế, thừa cơ hành động.

Tướng lĩnh ngu dốt tầm thường muốn chiến thắng tướng lĩnh túc trí đa mưu, chỉ có thể nhờ vào thiên mệnh; tướng lĩnh túc trí đa mưu muốn chiến thắng tướng lĩnh ngu dốt tầm thường, đó là điều hết sức tự nhiên; tướng lính trí tuệ ngang nhau, giao tranh với nhau, một bên muốn giành lấy thắng lợi, phải dựa vào thời cơ nắm bắt. Sự tinh yếu của thời cơ có ba phương diện: một là "sự", hai là "thế", ba là "tình". Nếu đã phát hiện sự kiện có lợi cho phía ta, lại không chớp lấy thời cơ để lợi dụng là biểu hiện không sáng suốt; nếu tình thế biến hoá có lợi cho phía ta, lại không nắm bắt thời cơ chiến thắng địch nhân, đây là biểu hiện không tài giỏi; nếu sĩ khí và tình huống chuyển biến có lợi cho phía ta, lại không thừa cơ chế phục địch nhân, đây là biểu hiện không dũng cảm quả đoán. Một tướng lĩnh giỏi chỉ huy, nhất định sẽ phải dựa vào thời cơ có lợi để giành lấy thắng lợi cuối cùng.
Người hiểu rõ thời thế mới là bậc tuấn kiệt. Hiểu thời thế, giỏi biến thông, anh hùng làm nên chuyện lớn kinh thiên động địa phải như thế, người bình thường sống trong cuộc sống thường nhật cũng nên như vậy. Hiểu thời thế, mới có thể tuỳ cơ hành động; giỏi biến thông, mới có thể tìm lợi tránh hại. Người hiểu thời thế thường hoá dữ thành lành, hoá nguy thành an, chuyển bại thành thắng, biến bị động thành chủ động; người không hiểu thời thế thường gặp tai ương, hiểm hoạ, nguy hiểm rình rập, dễ gặp thất bại.
Cơ bất khả thất, thời bất tái lai. Phàm việc gì phải nắm bắt thời cơ có lợi nhất. Rèn sắt phải nhân lúc sắt được đốt đỏ mới ra sức đập gò; trồng hoa màu phải nhằm vào mùa tốt nhất mới gieo hạt xuống đồng; buôn bán phải nắm bắt lúc hàng hụt giá đắt mới tung hàng ra. Ở đời, người nào quyết đoán kịp thời, thừa cơ hành động thì người đó sẽ thắng; người nào chần chừ thiếu quả quyết, để mất thời cơ thì sẽ thua.

Gia Cát Lượng (Tam Quốc)
Bài 5:
Mọi chuyện xét quá kỹ không phải là bậc minh trí!


Nước quá trong suốt sẽ nuôi cá không được, người quá phân xét chi li sẽ không có bằng hữu.
Làm người không được quá đơn thuần sinh khiết, mà có lúc phải biết chịu đựng xấu xa ô nhục; đối nhân xử thế không được quá phân rõ yêu ghét, mà phải khoan dung với mọi người bất kể là thiện ác hiền ngu. Người quá thanh cao sẽ bị người đời ganh ghét; xử thế quá cao thượng sẽ bị mọi người cô lập.
Tâm tư phân biệt tốt xấu quá rõ ràng sẽ cảm thấy không có cái gì là thích hợp; tâm tư phân biệt kẻ giỏi người ngu quá rạch ròi sẽ không dễ gì gần gũi với mọi người.
Làm người ở đời chớ quá cao khiết và yêu cầu quá nghiêm khắc. Trong lòng tuy có phân biệt thị phi, nhưng cũng nên có lòng khoan dung rộng lượng. Đối với mọi người và mọi việc, không được bắt bẻ quá khắt khe.
Mọi chuyện xét quá kỹ không phải là bậc minh trí, nên căn cứ vào từng tình huống, việc gì đáng xét thì xét, việc không đáng xét thì bỏ qua, như vậy mới gọi là minh trí! Những người ở mỗi trận chiến đều muốn chiến thắng không phải là dũng cảm, nên tuỳ theo từng tình huống, đáng thắng thì thắng, không đáng thắng thì không đi tranh thắng, như vậy mới là dũng cảm.
Ban Cố (Đời Hán)

Bài 6, bài 7 (Đạo xử thế).

Bài 6:
Người ác là hòn đá mài của người thiện.


Người không lương thiện tuy mọi người đều căm ghét, nhưng xét lại cũng có cái tốt, vì mọi người có thể nhìn vào đó để soi xét răn đe bản thân, không đi làm những điều bất thiện. Nếu không nhìn thấy người bất thiện, bản thân sẽ hành động càn gỡ mà không biết nghĩ lại hoặc làm những điều đồi bại mà không cảm thấy hổ thẹn.
Trong nhà không có người bất thiện, thế thì hành vi hiếu thuận cha mẹ, thương yêu anh em sẽ không được biểu dương; trong làng nếu không có người bất thiện, thế thì những việc tốt có đạo lý sẽ không được đề cao. Sự tồn tại của người không lương thiện sẽ giống như hòn đá mài, tuy người ta có thể bị mài tổn, nhưng dao búa cũng nhờ nó mà thêm sắc bén.
Lão Tử nói: "Người không lương thiện là cái gương xấu của người lương thiện", chính là đạo lý đó. Nếu nhìn thấy người không lương thiện mà lại đi làm việc đồi bại giống như họ, thậm chí lại tranh cao thấp với họ, như vậy chỉ việc làm hại mình thôi, không có ích lợi gì.
Viên Thái (Nam Tống)

Bài 7:
Làm người phải nội phương ngoại viên.


Cứng quá dễ gãy, căng quá dễ vỡ. Cái gì cũng quá ắt sẽ bị bẻ gẫy, căng quá ắt sẽ bị nứt vỡ. Làm người ở đời cũng như vậy, không được quá cứng rắn, bộc trực.
Ở đời biết tiến mà biết thoái, biết cương cũng biết nhu; an thân xử thế phải biết tiến thoái, vừa có nguyên tắc lại phải linh hoạt.
Thời thế biến thiên, vạn vật phát triển cũng biến đổi theo, do đó đối sách cũng phải tuỳ cơ ứng biến. Làm người phải trong lòng chính trực, ngay thẳng mà bên ngoài linh hoạt khéo léo. Cây quá thẳng đứng không thể tạo được bóng râm, người quá ngay thẳng sẽ không có bằng hữu. Đối xử với mọi người trong nhu hoà có ngay thẳng; xử lý sự việc trong tinh tế có quả đoán; nhận thức đạo lý trong chính xác phải có linh hoạt.
Đối nhân xử thế phải linh hoạt biến thông, không cố chấp. Xử thế thiếu linh hoạt thì chẳng khác nào người gỗ, bất kể đi đến đâu cũng bị người ta chê trách.
Làm người cũng có khi mắc phải thiếu sót, gặp phải tình thế này cũng nên tìm cách bổ cứu.

Bài 8; Bài 9 (Đạo xử thế).

Bài 8:
Làm người phải biết giấu mình.


Cái quý ở nhân vật kiệt xuất là ở chỗ nó không tự khoe khoang, không tự phô trương tài năng.
Phàm sự gì, giả ngu ngơ một tí mới tránh được tên đao hiểm hoạ không ngờ tới; không ra mặt anh hào, không tranh với đời mới có thể thoát ra được lưới trời bày giăng.
Khi phát hiện ra người khác dối trá mà vẫn không hề có một đôi chút phản ứng bằng lời nói hay thái độ, như vậy mưu kế của bạn sẽ cao hơn người đó; khi bị người khác làm nhục mà vẫn không hề biến sắc, như vậy đối phương sẽ bị nhục hơn nỗi nhục của bạn. Đây chính là cách xử thế của bậc cao nhân, và cũng là điều mà mọi người cần chiêm nghiệm.
Những người thích phanh phui chuyện riêng tư của người khác ắt phải đối mặt với nguy hiểm; giả bộ ngu ngơ là trí tuệ bảo vệ bản thân. Người thích thổi phồng mình lên thường bị người khác chê cười, tự khoe mình thông minh chẳng khác nào khinh người khác ngu muội.
Lão Tử có nói: "Giỏi đi không để lại dấu vết". Ý nói, người giỏi hành tẩu không để lại vết xe, dấu chân. Những người thuộc loại chân tài, thực học không muốn gây sự chú ý và bàn luận của người khác; không muốn phô trương tranh giành thanh danh; họ chỉ việc lặng lẽ theo đuổi sự nghiệp của mình.
Người thông minh tài trí, phải dùng ngu xuẩn để tự thủ; người đa văn thiên biện, phải dùng thiển lậu để tự thủ; người dũng mãnh kiên cường, phải dùng e sợ để tự thủ; người giàu sang phú quý, phải dùng tiết kiệm để tự thủ; người đại nhân đại đức, phải dùng khiêm nhường để tự thủ. Xử thế như vậy mới có thể tránh được tai hoạ vào thân.
Lý Bạch (Đời Tống)
Bài 9:
Học đạo tìm phúc lánh hoạ

Bánh xe, nan xe, thùng xe đều có công dụng và chức năng trọng yếu đối với chiếc xe, còn cái đòn gỗ ngang phía trước thùng xe để vịn tay gọi là tay vịn, xem ra không có ích dụng gì. Tuy vậy, nếu bỏ tay vịn đi thì trước mặt chúng ta không còn là một chiếc xe hoàn chỉnh nữa. Tay vịn ơi! ta lo cho ngươi đương đầu lộ diện mà không chú ý che giấu bề ngoài, sẽ chuốc lấy tai hoạ.
Các loại xe, không có loại xe nào đi mà không để lại dấu vết khi bánh xe lăn qua, đây chính là "vết xe". Nhưng khi người ta nói đến cấu tạo của chiếc xe, lại thường không nhắc tới "vết xe". Tuy vậy, khi chiếc xe bị lật, tai hoạ lại không liên luỵ đến "vết xe". Chính là nhờ "vết xe" này giỏi tự hành xử giữa phúc và hoạ. "Vết xe" ơi! Ta biết ngươi có đạo tìm phúc lánh hoạ.
Tô Tuần (Đời Tống).

Bài 10; Bài 11 (Đạo xử thế).

Bài 10:
Quân tử xử thế nên lấy hành vi bản thân làm chính

Người quân tử khi yêu cầu người khác, thì chiếu theo tiêu chuẩn của người bình thường; còn với bản thân, thì yêu cầu lấy "nghĩa" làm trọng. Yêu cầu người khác chiếu theo tiêu chuẩn của người bình thường thì sẽ dễ đạt được như ý, dễ đạt được như ý sẽ được mọi người ủng hộ; yêu cầu bản thân lấy nghĩa làm trọng sẽ không dám những việc sai trái, mà không làm việc sai trái là hành vi chính trực. Người có phẩm chất như vậy sẽ thừa sức gánh vác đại sự nghiệp trong thiên hạ. Kẻ tiểu nhân thì không như vậy, họ yêu cầu người khác phải lấy "nghĩa" làm tiêu chuẩn, yêu cầu với mình thì lại theo tiêu chuẩn của người bình thường. Yêu cầu người khác lấy "nghĩa" theo tiêu chuẩn sẽ rất khó đạt được, do khó đạt được nên khiến cả người thân cũng phải ra đi; yêu cầu bản thân thì theo tiêu chuẩn của người bình thường, do vậy rất dễ thực hiện, từ chỗ rất dễ thực hiện nên mặc ý mà làm. Người như vậy cuối cùng đi đến đâu cũng không có chốn dung thân, tự chuốc lấy hiểm hoạ, thậm chí còn khiến quốc gia bại vong theo.
Lấy leo núi làm ví dụ, người leo núi đã đến nơi rất cao, nhưng ngước mắt nhìn, vẫn thấy có nhiều người cao hơn. Người quân tử xử thế cũng tương tự như vậy, cảm thấy bản thân đã tài giỏi, phẩm hạnh cũng rất cao thượng, nhưng nhìn chung quanh, vẫn thấy nhiều người hơn mình.
Người hành đạo cho dù được tôn quý lên làm thiên tử cũng không kiêu căng, ngạo mạn; giàu có bậc nhất thiên hạ cũng không phóng túng, xa xỉ; rớt xuống làm thân ăn mày cũng không buồn tủi, tự ti; bần cùng đến độ không cơm ăn, áo mặc cũng không sầu khổ, hoang mang.
Quân tử xử thế nên lấy hành vi của mình làm chính, tôn kính người khác nhưng không đòi người khác phải tôn kính lại mình. Tôn kính và yêu thích người khác là việc của mình, còn được người khác yêu thích mình hay không, là việc của người khác. Đối với sự thành bại được mất, người quân tử phải dựa vào mình để xử lý, không nên dựa vào người khác, chủ yếu phải là chính mình.
Người quân tử không nên mong vào sự may rủi, không làm việc cẩu thả, phải xem xét kỹ khả năng của mình sau đó mới tiếp nhận chức vụ; đảm nhận chức vụ sau đó mới hành động.
Lã Bất Vi (Chiến Quốc).

Bài 11:
Quân tử thà vụng chớ khéo

Cho dù mười câu nói đúng đến chín câu cũng chưa chắc đã có người tán thưởng bạn, nhưng nếu bạn nói sai một câu thì sẽ bị người khác chỉ trích; cho dù mười lần thực hiện mưu kế, bạn có đến chín lần thành công cũng chưa chắc bạn đã được phong thưởng, nhưng chỉ cần một lần mưu kế thất bại thì bao nhiêu trách móc, oán hận sẽ đổ lên đầu bạn. Do vậy, bậc quân tử có tu dưỡng thà giữ im lặng không nói, chứ không tuỳ tiện nói bậy; biểu lộ bên ngoài tuyệt đối không xung động nóng vội. Làm việc gì thà tỏ ra vụng một tý, tuyệt đối không được làm ra vẻ thông minh hơn người.
Có một lần, Tử Lộ ăn mặc chỉnh tề đến bái kiến Khổng Tử. Khổng Tử nói: "Này Trọng Do (tức Tử Lộ), ngươi áo mũ chỉnh tề như vậy để làm gì? Trước đây sông Trường Giang bắt nguồn từ Mãn Sơn, nước từ nơi bắt đầu khởi nguồn rất ít, chỉ có thể nâng nổi ly rượu, chảy đến cửa sông nước sâu rộng mênh mông, nếu không kết hai chiếc thuyền lại thành một để tránh gió to, sóng lớn thì không thể vượt qua, chẳng phải bởi nước lớn đó sao? Hôm nay, ngươi ăn mặc chỉnh tề, nét mặt lại tỏ ra đắc ý, thế thì trong thiên hạ còn có ai muốn khuyên nhủ ngươi chứ? Tử Lộ vội lùi ra ngoài, thay y phục mộc mạc giản dị rồi đi vào, tỏ ra nghe lời. Khổng Tử nói: "Trọng Do, ngươi nên nhớ rằng, làm ra vẻ thông minh tài cán, đó là tiểu nhân. Người quân tử biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, đó là yếu lĩnh của lời lẽ; có khả năng thì nói là có khả năng, không có khả năng thì nói là không có khả năng, đó là chuẩn tắc của hành vi. Nói năng có yếu lĩnh, đó chính là trí; hành vi có chuẩn tắc, đó chính là nhân. Lời nói và hành vi vừa trí lại vừa nhân, thế thì còn chỗ nào thiếu sót nữa"

Hồng Ưng Minh (Đời Minh)

Bài 12; bài 13 (Đạo xử thế).

Bài 12:
Thuận thế mà làm, nhưng chớ tuỳ tâm sở dục

Nhập cảnh hỏi lệ cấm, nhập hương hỏi tập tục, nhập gia hỏi gia quy. đi đến một nước khác (một nơi khác) phải tìm hiểu pháp luật nơi đó; đi đến làng khác, nên hỏi xem phong tục tập quán nơi đương địa; đi đến nhà người khác nên biết những kiêng kỵ của nhà người ta. Người ta nói nhập gia tuỳ tục, đi đến đâu phải thuận theo phong tục tập quán ở nơi đó.
Nhân lúc thuận gió mà hành thuyền, thuyền lướt ngàn dặm mà không dừng; nhưng không hạ buồm, thì không khéo cả người lẫn thuyền đều bị nhấn chìm. Con người khi gặp thời, từng bước thăng tiến dễ dàng; đến khi mất đi quyền thế, sẽ rơi xuống vực thẳm. Hoa nở tươi buổi sáng, về chiều sẽ héo tàn, đó là quy luật của tự nhiên. Lửa cháy rực trời rồi cũng bị dập tắt, tiếng sấm long trời nở đất rồi cũng sẽ bị tiêu biến. Sấm và lửa, sấm rên điếc tai, lửa sáng loá mắt, nhưng trời sẽ thu lại tiếng sấm trong nháy mắt, đất sẽ vùi lấp ngọn lửa trong chớp nhoáng. Cho dù bạn có ngôi vị cao sang ở trong nhà, nhưng cũng có quỷ thần trong nhà dòm ngó bạn.
Làm việc đáng làm vào lúc nên làm thì sẽ thuận lợi; làm việc không đáng làm và vào lúc không nên làm thì sẽ gặp nguy hiểm. Vì vậy, ngôn hạnh của cá nhân cao khiết hay khiêm tốn, còn phải xem thói đời trong sáng hay không. Lão Tử đi qua vùng Tây Thú, nói tiêng dân tộc thiểu số; vua Vũ đi đến vùng thổ dân ăn lông ở lỗ cũng không mặc áo quần; Mặc Tử cho rằng nhạc khí chẳng có ích gì nên không thích nghe, nhưng khi đến nơi Kinh Sở cũng mang cẩm y, thổi sáo trúc. Quá cứng nhắc mà không biết biến thông, chính là người không biết thời thế. Đến nơi mưa gió âm u để bán nón, đến vùng có thói quen đi chân đất lại mang giày bóng loáng, khi trời rét lạnh mang áo mỏng, khi trời nóng lực lại mang áo bông, như vậy sẽ bị người đời cho là ngu xuẩn.
Những chuyện tuỳ tâm sở dục (tuỳ ý mà làm) của người xưa, cuối cùng là gây ra tai hoạ; ngày nay nghe thấy cũng đủ răn mình. Tần Thuỷ Hoàng tuỳ tâm sở dục ở hình phạt, để rồi Công Tử Phù Tô Toại bị hại ở Kiểu Chiếu; Hán Vũ Đế tuỳ tiện đi trinh phạt, để rồi về sau phải hối hận. Người sống ở đời việc gì cũng muốn sung sướng. Những người tuỳ ý rong ruổi người ngựa đều mệt; những người say mê tửu sắc, rước bệnh vào thân; những người ba hoa tuỳ tiện, lời nói tứ mã nan truy; những người thích đấu đá, tan cửa nát nhà; những người tuỳ tiện hứa hẹn người khác, cuối cùng sẽ hối hận; những người đối đáp lưu loát, suy nghĩ thiếu chu đáo; những người hỷ nộ thất thường, thiếu độ lượng. Tuỳ ý mà làm dễ mắc sai lầm, chẳng bằng suy nghĩ cẩn thận rồi mới hành động.

Hứa Danh Khuê (Đời Nguyên)
Bài 13:
Họa từ miệng mà ra

Bệnh thường do ăn uống không cẩn thận gây nên, hoạ thì do nói năng không thận trọng mà chuốc lấy. Xử thế rất kỵ việc nói nhiều, nói quá nhiều sẽ bị sai lầm. Chớ cho rằng chuyện phiếm là không có gì, thường mọi chuyện phát sinh từ chuyện phiếm. Gây ra chuyện thị phi là do miệng lưỡi nói nhiều; ôm lấy phiền não là do ra mặt anh hùng. Lưỡi là gốc của lợi hại; miệng là cửa của phúc hoạ. Miệng như chốt trạm, lưỡi như binh khí, chốt trạm không kỹ, lời nói tuôn ra không đúng lúc, xúc phạm đến người khác, tai hoạ sẽ giáng xuống đầu. Người ta gặp tai hoạ gia bại thân vong, nguyên nhân chủ yếu là do ăn nói không thận trọng.
Người ta thường nói: Hỏi ba lần không mở miệng, quỷ thần cũng khó gía hoạ cho họ. Nói năng không cẩn thận sẽ mang hoạ vào thân; hành động không thận trọng sẽ mang nhục vào thân, quân tử xử thế nên nhớ lấy điều đó.
Miệng lưỡi là cung của tai hoạ, là phủ của nguy vong. Lời ra hoạ vào, lỡ lời vong thân. Bởi thế, bậc thánh nhân chưa nói mà sợ, nói ra mà lo, luôn cảm thấy nguy hiểm như đi trên băng mỏng.

Phó Huyền (Đời Tấn)

Bài 14; bài 15 (Đạo xử thế).

Bài 14:
Tín ngôn bất mỹ, mỹ ngôn bất tín

Lời nói thành thực không nhất thiết phải hoa mỹ dễ nghe; lời nói hoa mỹ dễ lọt tai thường không đáng tin.
Người thích nói tốt trước mặt người khác, cũng thích nói xấu sau lưng người khác. Khiêm tốn là đức tính tốt, nhưng người quá khiêm tốn có khả năng trong lòng có mưu mô; trầm lặng là phẩm hạnh tốt, nhưng người có ý im hơi lặng tiếng tất trong bụng ngầm có quỷ kế. Không nên cho rằng, con người bên ngoài đứng đắn, thì bên trong ngay thẳng, phải học cách đề phòng những người mang bộ mặt chính nhân quân tử mà thực ra trong lòng không tốt.
Có người tuy nét mặt vui vẻ tươi cười, nhưng trong lòng chưa chắc thân thiện; có người tuy khóc lóc bi thảm, nhưng trong lòng không hẳn quá đau buồn. Thế giới nội tâm của con người thường không đi đôi với hành vi biểu lộ ra bên ngoài, khó có thể nhận ra. Người phê bình ta thoả đáng, là thầy của ta; người khẳng định ta thỏa đáng, là bạn của ta; người tâng bốc nịnh hót ta không thoả đáng, chính là người hại ta. Nói xấu về người khác, không thể xem là đứng đắn, giúp người khác làm việc xấu, không thể gọi là chính khí.
Hoạ hổ hoạ bì nan hoạ cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm. Chân và giả sẽ hiển lộ ra trong quá trình phát triển của sự việc, sự biến đổi của lòng người rất khó dự đoán trước khi sự việc xẩy ra.
Tâm hại người thì không nên có, nhưng tâm phòng người hại mình thì không thể không có.
Người hậu tặng tiền tài, ăn nói ngọt ngào, cổ nhân rất hay đề phòng loại người này, vì họ thường có mưu đồ khác, dùng tiền tài mua chuộc để đẩy người ta đến chỗ vì tình riêng mà làm sai phép công. Hạng người này ngày xưa đã có, về sau lại có càng nhiều, ngày nay chúng ta không thể không đề phòng.

Vương Dĩnh Khuê (Đời Thanh)

Bài 15:
Vụng việc nhỏ, giỏi việc lớn

Lã Đoan xử lý việc lớn thông minh, còn Nghiêm Cống thì giỏi việc vụn vặt. Người việc nhỏ vụng về thường việc lớn thông minh, còn người việc nhỏ thông minh thường việc lớn bất thành.
Ngựa hay sẽ không vì luyến tiếc miếng ăn trong máng ngựa mà quên rong ruổi vạn dặm; người có chí hướng lớn sẽ không vì vụ lợi trước mắt mà bỏ đi lợi ích lâu dài.
Người nuôi chí lớn không ham cầu lợi trước mắt; người mang sứ mệnh lớn không tuỳ tiện buông lời.
Người biết quan sát toàn cuộc sẽ được lòng người; người tính toán chi li nhỏ nhặt sẽ mất lòng người. Tham tiểu lợi sẽ không làm nên đại sự.
Ham lợi ích nhỏ trước mắt, sẽ mất đi lợi ích lớn lâu dài; đắm chìm trong lợi ích vật chất sẽ tổn hại đến danh dự. Gần và xa, danh và lợi không hoàn toàn đối lập, quan trọng là ở chỗ phải nắm được chữ "độ", khi đó mới lo được chu toàn cả hai.
Thử nhìn xem người giỏi tính toán ở đời, đâu tính được một thứ gì của người khác, cuối cùng cũng chỉ tính được những thứ ở trong nhà mình mà thôi.

Trịnh Nhiếp (Đời Thanh)

Bài 16; bài 17 (Đạo xử thế).

Bài 16:
Bách chiến bách thắng không bằng nhẫn nhịn

Bách chiến bách thắng, không bằng nhẫn nhịn. Tuy bách chiến bách thắng, nhưng không an toàn bằng một chữ nhẫn. Chiến thắng tất sẽ gieo oán, nhẫn nhịn thì không bị hậu hoạ.
Ở trên đầu chữ NHẪN là chữ ĐẠO, nếu phẫn nộ nhất thời không nhẫn nhịn được thì sẽ chuốc lấy tai hoạ. Vì vậy, khuyên mọi người phàm sự gì cũng phải nên nhẫn nhịn.
Hành sự, không suy nghĩ được ba lần bảy lượt mà đã vội làm, cuối cùng sẽ hối hận; làm người nếu mọi việc đều biết nhẫn lại, tự nhiên sẽ đỡ ưu lo.
Nhịn đau dễ, nhịn ngứa khó; nhịn khóc dễ, nhịn cười khó; nhịn khổ dễ, nhịn sướng khó; nhịn bần tiện dễ, nhịn phú quý khó; nhịn uy vũ dễ, nhịn nhu mì khó; nhịn nóng giận dễ, nhịn vui đùa khó. Rằng những cái khó nhịn, càng phải đáng nhịn vậy.
Đối với việc nhỏ, nếu nhẫn nhịn được thì cố gắng nhẫn nhịn, nếu không thì việc nhỏ cũng biến thành vấn đề lớn. Có người do không kiềm chế được bản thân, nhất thời xung động và nổi giận, mà gây ra chuyện hối hận suốt đời.
Người ta nói đạo lý ở đời, điều quan trọng nhất là khéo nhẫn nhịn, nhưng nếu chỉ biết nhẫn nhịn mà không biết nhẫn nhịn như thế nào, thì sai lầm lại càng lớn. Nếu nhẫn nhịn mà có ý để bụng, người khác xúc phạm mình, mình im lặng đối phó, như vậy có thể kiên trì được một vài lần. Nhưng tích tiểu thành đại, đến lúc nào đó không thể kiềm chế được nữa, giống như dòng nước cuồng mãnh, không thể ngăn đỡ. Nhẫn nhịn như vậy chẳng bằng tìm cách hoá giải ngay từ ban đầu.
Việc nhỏ không nhịn thì hỏng việc lớn. Vào cuối thời Xuân Thu, Việt Vương Cầu Tiễn nếu không nhẫn nhịn nỗi khổ chăn ngựa ở nước Ngô, nỗi nhục nếm phân, thì đâu có cơ hội nổi đậy đánh bại Ngô Vương Phú Sai, trở thành vị bá chủ cuối thời Xuân Thu.
Hàn Tín ở Triều Hán, thuở còn nhỏ không biết lấy gì để mưu sinh, có khi phải giặt áo quần thuê để kiếm ăn. Một hôm, có một gã thiếu niên đồ phu ở phố Hoài Âm lăng nhục Hàn Tín, bắt Hàn Tín quỳ xuống bò chui qua háng gã ta. Với bản lĩnh như Hàn Tín, sẽ đủ sức vung một nhát dao giết chết gã thiếu niên vô lại kia. Nhưng trong lúc cơm ăn áo mặc chưa đủ, sự nghiệp chưa thành, Hàn Tín cố gắng nhẫn nhịn, chui qua háng gã trước mặt đông đúc mọi người. Về sau Hàn Tín giúp Lưu Bang tiêu diệt Hạng Võ, cuối cùng trở thành vị tướng quân nổi danh trong lịch sử Trung Quốc. Nếu bấy giờ Hàn Tín không nhịn nhục, nhất thời nổi giận giết chết kẻ ức hiếp kia, thì đâu trở thành vị tướng tài danh lẫy lừng.
Nếu muốn an thân lập mệnh ở đời, thành gia lập nghiệp ở xã hội, con người dưới mái hiên nhà không thể không cúi đầu. Khi thời cơ bất lợi, cúi đầu hạ mình là điều tất yếu. Miễn là không cam làm thân trâu ngựa, tạm thời nhẫn nại, tạm thời khuất phục, đó là sách lược tiến thủ để thực hiện đại nghiệp. Có như vậy mới có thể thực hiện được lời đề xướng của Gia Cát Lượng: "Đại trượng phu gặp lúc khó khăn quẫn bách chịu nhẫn nhục, đè nén, ở dưới người khác mà không phụ thân vân chi chí; đến khi đắc chí thắng thế không điên cuồng, không làm ô uế thanh danh, nắm bắt thời cơ để phát triển tài năng của mình".

Vương Dĩnh Khuê (Đời Thanh)
Bài 17:
Chung thân nhượng lộ không thiệt bước chân

Suốt đời nhường đường cho người khác, không thiệt một bước chân, suốt đời nhường bờ ruộng cho người khác, không mất một miếng đất. Khiêm nhường sẽ không khiến người ta mất mát.
Ra trường danh lợi, thiên hạ hướng về phía trước, còn ta hướng lùi lại, thoái nhường một bước, thì thân không gặp nguy hiểm, hưởng nhiều an lạc; vào chốn thị phi, thiên hạ dùng miệng nói, còn ta dùng tai nghe, cố gắng nhẫn lại, nghĩ kỹ rồi nói, thì mọi việc không mắc sai lầm, hoạ hoạn không giáng xuống đầu.
Xử thế nên lấy yếu làm mạnh, lấy thoái làm tiến, lấy khổ làm vui, đây là thủ đoạn xử thế rất cao minh.
Xử thế nhường một bước là tốt, nhượng bộ để phát triển lớn hơn kế hoạch dự định; đối xử mọi người khoan dung một tí là phúc, lợi của mọi người chính là căn cơ cho lợi của mình.
Người quân tử có thể chịu đựng được những điều mà người thường không thể chịu đựng được, khoan dung được những điều mà người thường không thể khoan dung, đặt chân đến được những nơi gian khổ mà người thường khó có thể tồn tại được.
Chỉ có bậc hiển minh mới biết hành động đúng thời cơ và biết dừng lại đúng lúc. Người mang hoài bão lớn, song biết nhẫn nại, nhịn nhục tạm thời, đó mới là bậc trượng phu.

Âu Dương Tu (Đời Tống)

Bài 18; bài 19 (Đạo xử thế).

Bài 18:
Nghe nói xấu không giận, lấy đức báo oán

Con người sống trong xã hội không thể không nghe đến lời nói xấu. Nghe người khác nói xấu về mình là nổi giận, thế thì người tâng bốc nịnh hót bạn sẽ xúm lại. Bản thân mắc sai lầm lâu ngày không phát hiện ra, sẽ dẫn đến đại hoạ. Người quân tử nghe người khác nói xấu về mình sẽ không nổi giận, lời nói xấu không đúng sự thật, cũng không cần biện giải. Lời nói xấu phát ra ắt có nguyên nhân, tự mình đứng ra cải chính cũng chẳng được gì.
Thà bị người khác nói xấu, chứ không đi nói xấu người khác; thà bị người khác ức hiếp chứ không đi ức hiếp người khác; thà để người khác mắc lỗi với mình, chứ không để mình mắc lỗi người khác. Khi bị người khác phỉ báng, nếu đứng ra tranh cãi, chẳng bằng tạm thời nhẫn nhịn; khi bị người khác gây hấn, nếu lo phòng bị cảnh giới, chẳng bằng đứng ra hoà giải. Lấy hành vi chân chính đáp lại oán hận của người khác, dùng lời nói và hành động chính nghĩa để hoá giải hận thù của người khác.
Làm thế nào để có thể ngăn chặn những lời phỉ báng? Tốt nhất là không đứng ra tranh cãi, vì càng tranh cãi thì người phỉ báng càng đặt điều sinh sự.
Cứng quá dễ gãy; nhiều quá dễ bục; căng quá dễ đứt. Cổ nhân cho rằng: một mực cứng rắn sẽ dễ dàng bị bẻ gãy, đạo xử thế quý ở chỗ cương nhu kết hợp.

Chu Bá Lư (Đời Thanh)

Bài 19:
Không được vô cớ chịu ân người khác

Ăn nửa bát của người ta, bị người ta sai bảo. Ăn cơm của người ta, sẽ bị người ta sai khiến; chịu ân huệ của người ta, sẽ bị người ta chi phối.
Khi nghèo khó ít nhận của cho, ngày sau ít vướng mắc; khi hoạn nạn ít cầu xin, ngày sau ít thẹn lòng.
Không được vô duyên vô cớ nhận lấy tiền của hay khoản cho đãi của người khác. Vô cớ chịu ân người khác, nợ ân khó đền. Bởi thế tục ngữ có câu: "Vô công hưởng lạc, ăn ngủ không yên".
Người nhận lấy sự bố thí của người khác thường do chịu ân huệ nên luôn khúm lúm, thẽ thọt trước mặt người ban ân; phía người ban ân, thường do có ân với người khác nên tự cảm thấy mình là bậc cao nhân.
Nam tử mang ân huệ người khác phải lấy khả năng báo đền của mình để hạn độ, thường ngày không được dễ dàng chịu ân người khác một cách vô cớ. Mang ân phải báo đáp, nợ nhân tình khó trả.
Trong thiên hạ có ba loại nguy hiểm: Thiếu đạo đức mà hưởng nhiều sùng ái; tài năng kém mà ở ngôi vị cao; không lập công lớn mà nhận nhiều tiền của.

Trương Chi Động (Đời Thanh)

Bài 20; Bài 21 (Đạo xử thế).

Bài 20:
Thà người phụ ta, ta không phụ người

Tương xử với họ hàng, xóm làng và người thân, lời nói phải hoà nhã. Khi người ta không có ý mạo phạm, có thể dùng đạo lý để giải quyết; khi người khác quên lễ tiết, có thể dùng cảm tình để khoan thứ. Nếu người nhà có xung đột với người khác, trước hết nên tự trách mình. Thà người phụ ta, ta không phụ người. Những người hay nổi giận háo thắng, ắt sẽ chuốc hoạ vào thân.
Cư xử với mọi người, quan trọng nhất là phải khiêm tốn thành thực. Cùng người khác làm việc không nên tránh khó khăn mệt nhọc; cùng người khác ăn cơm chớ nên chọn hết những thứ ngon; cùng người khác đi đường, không nên giành đi toàn đường tốt; cùng người khác nằm ngủ, không nên chiếm hơn giường chiếu. Thà nhường người khác, không nên để người khác nhường mình; thà khoan dung người khác, không nên để người khác khoan dung mình; thà chịu thiệt hơn người khác không nên để người khác chịu thiệt hơn mình. Người khác có ân với mình, nên ghi nhớ suốt đời; người khác gây oán với mình, nên sớm quên đi. Thấy được ưu điểm của người khác, phải ca ngợi tán thưởng trước đám đông mọi người; biết được sai lầm của người khác, phải giữ kín miệng không thể nói ra. Người khác hơn mình, nên ngưỡng mộ kính trọng, không được ghen ghét đố kỵ; người khác thua mình, nên đối đãi khiêm tốn, không nên khinh miệt coi thường. Quan hệ với người khác càng ngày càng trở nên thân thiết. Noi theo những chuẩn tắc trên để lập thân xử thế, vô luận làm quan hay trị gia, đều không kết oán.
Đối xử với mọi người, phải có lòng khoan dung độ lượng, không yêu cầu sự khoan dung của người khác. Nhan Hồi bị mạo phạm không hề so tính, Mạnh Kha mỗi ngày phản tỉnh bản thân nhiều lần, tâm tính ổn định giống như vậy, không một chút ảnh hưởng, mới là chân chính độ lượng. Nếu một lời nói không vừa lòng, một sự việc trái ý, lập tức đùng đùng nổi giận, đây là hành động của kẻ thất phu vô học. Hàn Tín chịu nhục chui trôn, Trương Lương kiên nhẫn nhặt dép ở ngoài đầu cầu, đây là những anh hùng chịu nhẫn nhục để thành đại nghiệp.

Bàng Thượng Bằng (Đời Minh)
Bài 21:
"Lợi" là cái bóng của "Hại"

Tranh quyền ở triều đình, tranh lợi ở thương trường, tranh giành không biết dừng lại, liều lĩnh không sợ chết. Tiền tài có thể có ích cho con người, nhưng cũng có hại cho con người, chúng ta vì sao không thể hiểu được điều đó, để đến nỗi phải mất đi sinh mạng? Quyền chức có thể khiến người ta đắc chí, cũng có thể khiến người ta bị nhục, người ta vì sao không rõ được điều đó, để rồi bị sát hại. Người thông tuệ rất biết nhìn xa trông rộng, không tranh với ngoại vật, xem lợi ích như phấn thổ ô trọc, xem quyền lực nhẹ như lông hồng. Ô trọc thì không muốn tiếp cận, xem nhẹ thì bỏ đi không tiếc, tránh lợi thì không làm động lòng người, bỏ quyền thì thân không mang hoạ.
"Lợi" là cái thứ mà mọi người đều thích, "hại" là cái thứ mà mọi người đều sợ. "Lợi" là cái bóng của "hại", hình và bóng không thể rời nhau
, biết tránh sao đây? Tham cầu tiểu lợi mà quên đại hại, giống như mắc bệnh nan y khó trị. Rượu độc đựng đầy trong ly, người thèm rượu uống vào sẽ mất mạng lập tức, là vì họ chỉ biết thú vui uống rượu mà không biết độc trong rượu huỷ hoại cơ thể. Kim tiền quý bị đánh rơi trên đường, người tham tiền đua nhau tranh đoạt, để rồi bị bắt tống nhà giam, vì họ chỉ biết ra sức tranh giành mà không biết sẽ mang nỗi nhục ngồi nhà giam. Dùng dê dụ hổ, hổ tham miếng mồi mà quên cả tính mạng. Ngu Công vì tham thích ngọc đẹp do nước Tấn dâng tặng mà không phát hiện ra mưu kế của nước Tấn mượn đường đánh nước Quắc; Phù Sa vì say đắm sắc đẹp của Tây Thi nên thu dưỡng nàng ta, lại quên đi tai hại mất nước.
Hứa Danh Khuê (Đời Nguyên)

Bài 22; Bài 23 (Đạo xử thế).

Bài 22:
Không làm điều tốn công vô ích.

Mặt trời, mặt trăng mọc lên rồi, lại vẫn thắp đuốc, muốn nó được sáng hơn, không phải là quá dư đó sao? Mưa kịp thời đổ xuống rồi, lại vẫn tưới nước, như vậy cũng không phải thừa đó sao? Người mù không thể nhìn thấy màu sắc hoa văn diễm lệ, người điếc không thể nghe được âm nhạc trống chuông, lẽ nào chỉ có mù và điếc.
Nước tống có một người buôn mũ đến nước Việt để mua bán, mà người ở nước Việt lại có tập tục cạo đầu xăm hình, không dùng mũ.
Đốt đuốc không thể làm tăng thêm ánh sáng đối với mặt trăng, mặt trời, tưới nước khi mưa chỉ việc uổng công vô ích. Điều tốn công vô ích không nên làm.
Đối với người tối tăm ngu dốt, mất đi khả năng lý trí tư duy thì không thể giảng rõ đạo lý với họ, loại người này giảng đạo lý thì cũng uổng công vô ích.

Trang Tử (Chiến Quốc)

Bài 23:
Nơi bằng phẳng dễ vấp.

Người giỏi bơi dễ chết đuối, người giỏi cưỡi dễ té ngã.
Người giỏi một nghề hay một công việc nào đó thường do khinh thường ỷ lại nên gây ra tai hoạ, đây là hiện tượng thường gặp trong cuộc sống.
Lời nói và hành động nên như thế nào, là chỗ then chốt của làm người, từ đó quyết định là vinh hay nhục, thành hay bại của một người, vì vậy không thể không thận trọng.

Không nên cho rằng, con đường trước mặt không có nguy hiểm, thì không cần lo lắng, không phòng bị cảnh giác, chính nơi bằng phẳng càng dễ khiến người ta vấp phải thương đau.
Cất giữ tiền của không cẩn thận thì chẳng khác nào xúi giục kẻ trộm tới lấy, trang điểm lộng lẫy dễ khiến người khác nảy sinh lòng xấu.
Khi đi ngang qua ruộng dưa, không nên ngồi xuống xỏ dép, ngang qua gốc mận không nên dừng lại sửa mũ.
Phẩm đức sự nghiệp của đời người, thành công được là nhờ thận trọng khi hành sự. Thất bại là do phóng túng, tuỳ tiện.
Thà đi mười bước xa, mà không đi một bước nguy hiểm.


Lưu An (Tây Hán)

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Bài 24; Bài 25 (Đạo xử thế).

Bài 24:
Chim cút đâu biết chí phượng hoàng.

Người có thị lực như nhau mới nhìn thấy sự vật như nhau, người có thính lực như nhau mới nghe thấy âm thanh như nhau. Người đồng tâm đồng đức mới có thể tương thân tương ái. Âm thanh tần số như nhau, cho dù ở nơi khác nhau cũng sẽ tưng hỗ hô ứng. Cùng chung chí hướng mới tán thưởng nhau, không cùng chí hướng sẽ bài xích nhau. Làm sao chứng minh được điều này?
Sở Tương Vương hỏi Tống Ngọc rằng: "Tiên sinh chẳng phải nơi nào cũng làm giỏi? Vì sao nhiều người không khâm phục tiên sinh?" Tống Ngọc trả lời: "Trong chim có phượng hoàng, trong cá có kình ngư. Phượng hoàng tung cánh bay lên chín vạn dặm tầng mây, sải cánh giữa trời xanh, con chim cút kia ở trong lồng làm sao biết trời cao thấp? Kình ngư buổi sáng bơi ở Côn Lôn, chiều trú ngụ ở Mạnh Tân, con cá nhỏ sống trong ao nước làm sao biết được biển rộng lớn bao nhiêu? Không chỉ trong chim có phượng hoàng, trong cá có kình ngư, mà trong kẻ sỹ cũng có người giống như phượng hoàng và kình ngư. Thánh nhân tâm chí cao vời vợi, siêu nhiên một mình. Người thế tục làm sao hiểu được việc làm của ta".
Thiện ác của thế gian là không dễ gì hiểu được. Nếu không phải là người thông tuệ thì khó phân biệt ranh giới giữa thiện và ác. Văn chương bị người ta chê cười không hẳn là không hay, bị các bậc như Dương Hùng, Tư Mã Thiên chê cười mới thật sự là không hay. Đại thần bị vua Kiệt, vua Trụ phế bỏ thì không hẳn là ngu xuẩn thật sự; bị vua Nghiêu, vua Thuấn phế bỏ mới là bất tài thật sự. Lời nói xấu và lời khen ngợi của thế tục quả thực không đáng tin. Người trí tuệ sống chung với người thường, không thể làm thầy của họ; người tài nghệ cùng sống với người thường, không thể thi thố tài năng. Lão Tử có nói: "Kẻ phàm phu tục tử khi nghe đến "đại đạo" sẽ cười to, nếu họ không cười to thì không phải là "đạo" nữa rồi". Bởi thế có câu: điều mà người ta thường chế giễu chê cười chính là điều mà thánh nhân coi trọng.
Triệu Nhuy (Đời Đường)
Bài 25: Chuẩn tắc xử thế: Thứ, bình, cung, thủ

Chuẩn tắc xử thế khó nhất trên đời, mọi người lại rất ít thực hiện, gồm có bốn điều: đó là thứ (khoan thứ), bình (bình hòa), cung (cung kính) và thủ (giữ lòng tin). Thứ là căn bản của nhân, bình là căn bản của nghĩa, cung là căn bản của lễ, thủ là căn bản của tín. Người thực hiện được bốn điều trên mới gọi là hiền nhân. Bốn điều căn bản trên không thể thực hiện, thì bốn phẩm hạnh không thể dưỡng thành, người không có phẩm hạnh gọi là tiểu nhân.

Thứ có nghĩa là: Quân tử đánh giá người phải xuất phát từ lòng mình, hành vi phải xuất phát từ tâm. Bản thân có chỗ chưa hoàn thiện, không đi yêu cầu người khác; bản thân có chỗ hơn người, không chê cười người khác. Mình muốn được kính trọng, phải đối xử mọi người có lễ tiết; mình muốn được mọi người yêu thích phải đối đãi người khác có ân tình. Bản thân muốn tiến thủ, nhường người khác tiến thủ trước; bản thân muốn hiển đạt, nhường người khác hiển đạt trước. Khi người khác quan tâm đến ta, ta sẽ cảm thấy ấm lòng, thế thì ta cũng phải biết lo nghĩ nhiều đến người khác; khi người khác bỏ quên ta, ta tự nhiên cảm thấy căm ghét, thế thì ta phải thường xuyên nhớ nghĩ đến người khác.

Bình có nghĩa là: Trong lòng luôn giữ bình tĩnh, ổn định, bên ngoài giữ nguyên tắc công bằng chính trực. Đánh giá người khác phải căn cứ vào phẩm đức, lời nói và việc làm của họ, phê bình và khen ngợi người khác phải căn cứ tình huống khách quan, không hùa theo thế tục, cũng không nên bàn luận không có căn cứ. Không nên thấy nghèo khó mà coi khinh, không nên vì giàu mà xa lánh. Không nên nịnh hót bề trên mà xem thường bề dưới, không ghét bỏ bạn cũ mà kính trọng bạn mới.

Cung có nghĩa là: Bên trong không được ngạo mạn với người trong nhà, bên ngoài không được ngang ngược với mọi người. Gặp người nghèo hèn cũng giống như gặp người tôn quý, đối đãi kẻ dưới cũng giống như đối đãi bề trên. Giao tiếp với người lễ tiết đi trước, lời nói đi sau. Người khác có tình ý ân huệ với mình nhất định phải đáp trả, người khác lễ mạo tôn kính với mình nhất định phải đáp lễ. Đối xử với mọi người nên khiêm nhường, an tâm với chức vị thấp hèn, chấp nhận cuộc sống đạm bạc.

Thủ có nghĩa là: Giữ lòng thành, hành vi chuẩn mực, giữ lập trường kiên định, giữ vững lòng tin, không đi theo con đường lầm lạc, không bị mê hoặc bởi miệng lưỡi thế gian, lòng vững chãi giống như sắt đá, không hề bị lung lạc.

Bốn loại phẩm hạnh trên, nói nhẹ thì như lông hồng, nói nặng thì tựa núi Thái Sơn. Người quân tử cho rằng dễ thực hiện, kẻ tiểu nhân thực hiện lại rất khó.

Vương Phù (Đông Hán)


Bài 26; Bài 27 (Đạo xử thế).

Bài 26: Học tập khiến bần cùng trở nên giàu có

Mình muốn từ thấp hèn trở nên cao quý, từ ngu xuẩn trở nên thông minh, từ bần cùng trở nên giàu có, có được không? Câu trả lời: Điều này chỉ có thể nhờ vào học tập mà thôi! Những người học tập, học xong có thể thực hành chính là “sĩ”, có thể tận lực mà làm chính là “quân tử”, người học tập chân chính đó là thánh nhân. Trên có thể là thánh nhân, dưới có thể là quân tử và kẻ sĩ, ai ngăn cấm được ta?

Người quân tử không có tước vị mà tôn quý, không có bổng lộc mà giàu có, không nói năng mà có uy tín, không nổi giận mà có uy nghiêm, ở chỗ cùng khốn mà vinh quang, ở một mình mà vui vẻ, như vậy chẳng phải là tất cả những thứ tôn quý, giàu có, trang trọng và uy nghiêm đều tập trung ở họ đó sao! Thanh danh cao quý không thể dựa vào kéo bè kết đảng để tranh đoạt, không thể nhờ vào ba hoa nói khoác để lừa đoạt, không thể dựa vào quyền thế để chiếm đoạt, mà phải dựa vào sự nỗ lực cố gắng học tập, sau đó mới thành công. Tranh đoạt thì sẽ mất, từ chối thì sẽ được, khiêm tốn thì sẽ có tích lũy, nói quá thì sẽ hẫng hụt. Người quân tử nỗ lực tự thân tu dưỡng mà lại đối đãi mọi người từ tốn, nỗ lực tích lũy đức hạnh, mà lại giữ phẩm cách khiêm tốn. Như vậy, thanh danh tôn quý sẽ ngời sáng, sánh cùng với nhật nguyệt, thiên hạ nhất tề đứng dậy hưởng ứng như sấm dậy. Có thể nói, quân tử ẩn cư mà hiển hách, bần tiện mà vinh quang, khiêm tốn mà cao thượng. Trong “Kinh thi” có nói “Con hạc kêu ở trong đầm sâu, tiếng kêu lại vang thấu trời xanh”, chính là đạo lý đó.

Tuân Tử (Chiến Quốc)

Bài 27: Thiện có khi được ác báo

Thiện có thiện báo, ác có ác báo; đó là quy luật tất nhiên của thiên hạ, nhưng điều này cần phải có cách nhìn rộng hơn. Có khi làm việc thiện chưa được thiện báo lại bị ác báo; ngược lại có người làm việc ác không bị ác báo mà lại được thiện báo, là vì thiện và ác tích lũy chưa đạt đến mức độ nhất định, một khi thời cơ chín muồi sẽ được báo ứng tương xứng. Vì vậy, chúng ta không nên vì hiện tượng không hợp lý tạm thời mà đâm ra mê hoặc, làm dao động tín niệm hành thiện. Lời người xưa quả rất hay: “Chớ thấy thiện nhỏ mà không làm, chớ thấy ác nhỏ mà làm”.

Trong cuộc sống, chúng ta thấy có những người làm việc thiện, ngược lại không được thiện báo, có người thậm chí đoản mệnh, vậy là thế nào?

Trong “Kinh Dịch” viết: “Nhà tích thiện, tất nhiên sẽ có thiện báo”, lại viết: “Không tích thiện thì không thể thành danh”. Chứng minh điều này như thế nào?

Mạnh Tử thường nói: “Người nhân chiến thắng kẻ bất nhân, giống như nước có thể diệt được lửa, nhưng người làm điều nhân ngày nay giống như dùng một ly nước để dập một ngọn lửa dữ dội của một xe củi khô bị cháy, lửa không tắt thì nói nước không thể dập được lửa, cũng giống như dùng một tý lòng nhân ái để tiêu trừ hiện tượng xã hội bất nhân đến cực điểm. Cũng giống như ngũ cốc có tốt đến mấy, nếu chưa chín muồi thì không đáng giá bằng hạt giống bo bo. Bởi thế, nhân ái cũng tùy ở chỗ có chín muồi hay không”. Thi Giảo nói: “Ăn cơm sẽ phát mập, nhưng nếu chỉ ăn một bữa cơm rồi hỏi người khác rằng: “Thế nào, trông ta mập chứ?”, như thế thì mọi người sẽ phá lên cười. Huống hồ, trị vì thiên hạ là chuyện trọng đại, không thể một sớm một chiều đạt được hiệu quả ngay. Ngày nay, người ta thường chỉ lo lợi ích trước mắt, giống như ăn một bữa cơm rồi hỏi người khác rằng: “Ta mập chứ!”. Đây hẳn là thiện đức quá ít, chưa đạt đến mức độ thành danh vậy. Ác cũng như vậy, như trong “Thượng Thư” viết: “Thượng Trụ Vương đã là tội ác tày trời, đến ngày tận số, cho nên Vũ Vương thay trời diệt trừ ông ta. Những kẻ ác khác, phải xem mức độ tội ác của họ nặng nhẹ để xử lý”. Từ đó xem ra, chẳng qua là tội ác chưa quá mức mà thôi.

Một số người nhìn thấy trên đời còn có nhiều tội ác chưa bị diệt vong, từ đó nghĩ một cách đơn giản rằng cho dù mình có mắc tội ác cũng không đáng sợ. Đây chính là nguyên nhân khiến những người mắc tội ác trên đời lần lượt bị diệt vong. Cho nên có câu: “Tội ác chưa tích lũy đến mức độ nhất định thì tạm thời chưa bị diệt vong”. Đó là lời răn bảo của thánh nhân.

Thiện đức được tích lũy từng chút, từng ít mà thành. Ngày xưa, Từ Yển Vương giảng nhân nghĩa lại mất nước, cho rằng nhân nghĩa không đáng để nương tựa; vua nước Thừa Tang giảng văn đức mà quốc gia diệt vong, cho rằng văn đức không đáng để lương dựa. Đây cũng giống như dùng một ly nước để cứu hỏa, ăn một bữa cơm lại hỏi người khác rằng: “Ta mập rồi chứ!”.

Tuân Tử nói: “Tích nước thành nguồn, tích đất thành núi, tích thiện thành đức”. Ông còn nói: “Không tích bước chân, thì không thể đi vạn dặm; không tích dòng nhỏ không thể thành sông biển”. Người xưa đã sớm nhận thức được rằng bất cứ sự nghiệp vĩ đại nào đều khởi đầu từ nhỏ nhặt, kết quả của quá trình không mệt mỏi, tích lũy dần dần. Cũng như đại gian đại ác không phải khi phát sinh đã là cùng gian cực ác, mà cũng từ chuyện nhỏ tích lũy thành, hoàn cảnh nhỏ tích góp thành.

Người lương thiện thường có lòng tốt, tuy bị làm tổn thương, song vẫn muốn để cho người khác một cơ hội sửa sai, nhưng như vậy lại tạo cơ hội cho người ác tiếp tục làm việc ác. Người ta thường nói: tâm từ thủ nhuyễn. Người lương thiện có tới tám chín người mềm mỏng thì sẽ bị khinh khi, cho dù bị làm nhục cũng cố nhịn, cho nên bọn ác ôn mới dám làm càn. Kỳ thực, lương thiện không giống với nhu nhược, nếu nhìn thấy người xấu hành hung mà làm ngơ, thậm chí bị làm nhục cũng cúi đầu chịu đựng, đó không phải là lương thiện, mà là ngu khờ.

Tóm lại, đối với niềm tin chính nghĩa chiến thắng tà ác, nhất định phải giữ lập trường kiên định không lay chuyển, như vậy mới có thể tích thiện trừ ác, để cho xã hội chúng ta ngày một tiến tới giai đoạn văn minh hơn.

Triệu Nhụy (Đời Đường)

Bài 28; Bài 29 (Đạo xử thế)

Bài 28: Kiêu ngạo đi đôi với suy bại

Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích. Tự mãn sẽ đưa đến tổn thất, khiêm tốn sẽ thu được lợi ích.

Hiển lộ tài trí, tâng bốc bản thân, làm như vậy là thiếu hiểu biết. Thứ không đánh không kêu, là đại hồng chung của triều đình; thứ kêu ồn ào chói tai, là các thứ phát ra từ vung nồi tồi tàn. Vật quý cất ở trong tráp đợi khi cao giá mới bán ra, không đến ngàn vàng sẽ không bán; thứ giao bán ngoài chợ một đồng cũng có thể mua được. Người giỏi biện luận trông giống như không thạo ngôn từ, người tốt thông minh trông giống như vụng dại ngu khờ.

Kim ngọc mãn đường, lại không thể giữ lấy. Giàu có mà kiêu sa, sẽ giành lấy hậu quả xấu. Làm vua ngạo mạn với mọi người sẽ mất đi chính quyền, quan đại phu ngạo mạn với mọi người sẽ mất đi lãnh địa. Giàu có không ước hẹn với kiêu ngạo, nhưng kiêu ngạo sẽ tự tìm đến giàu có; kiêu ngạo và tử vong không liên quan với nhau, nhưng tử vong sẽ tìm đến kiêu ngạo. Kết cục bi thảm lấy kiêu ngạo làm điềm báo trước; diệt vong lấy kiêu sa xuất hiện để xác định. Thiên hạ thái bình tự nhiên thói kiêu ngạo xa xỉ dễ xuất hiện ; kiêu ngạo xa xỉ tự nhiên sẽ dẫn đến nguy nạn diệt vong. Lời hiền triết nếu chúng ta không nghe thì biết làm thế nào? ‘Kiêu ngạo đi đôi với bại vong’, câu nói đó thấm thía vô cùng.

Chỉ cần người không tự khoe khoang, người đời sẽ không so cao thấp với người; chỉ cần người không tự cao tự đại, người đời sẽ không tranh công với người. Tự cao tự đại tức coi thường hạ thấp người khác nên sẽ bị người khác căm ghét và cạnh tranh

Khiêm tốn với mọi người, người đến thân cận sẽ rất nhiều; kiêu ngạo tự đại người phủi áo ra đi sẽ rất nhiều. Càng khiêm tốn thì càng được người khác tôn trọng; tự khoe khoang tất nhiên sẽ bị mọi người hoài nghi. Được khen ngợi mà vẫn khiêm tốn, như vậy sẽ có thêm một đức tính tốt; nói khoác lác mà gặp phải thất bại sẽ bị mọi người chế giễu. Giành được thắng lợi mà không kiêu ngạo, càng khiến người đời tín phục; bó buộc mình mà không nổi giận, nhờ vậy mà sống dễ hòa thuận với người chung quanh. Người tự khoe khoang là muốn để người khác nể phục mình, lại không biết rằng làm như vậy sẽ bị người ta khinh bỉ, chê cười.

Tính tình phải tránh hung hăng, lấn hiếp; tâm ý phải tránh kiêu ngạo, tự mãn; tài năng phải tránh bộc lộ toàn bộ; ghét kiêu ngạo tự mãn, thích cẩn thận khiêm tốn, đó là lẽ thường của con người.

‘Thượng Thư’


Bài 29: Không tốn công ở chỗ vô dụng

Không tốn công ở chỗ vô dụng, không tốn tiền ở chỗ vô vị. Không bỏ công tốn sức ở việc vô tích sự, không hao phí tiền tài ở chỗ không hề có ý nghĩa.

Bệnh chờ chết, khỏi nhọc công uống thuốc, gỗ mục nát không nhọc công sơn khắc.

Không làm việc gì không thể thành công, không tham cầu thứ gì không đáng có, không đứng ở chỗ không thể trụ lâu, không đi ở chỗ không thể đi được, việc gì khẳng định không làm được, nhất quyết không nên tùy tiện đi làm; người nào không nghe lời khuyên nhủ, không nên phí lời khuyên răn. Lời nói thấu tình đạt lý, là thông minh sáng suốt; giữ im lặng một cách khéo léo, cũng là thông minh sáng suốt.

Thà đi cầu xin một lần ở người giải quyết được vấn đề, không thà phí công đi cầu xin nhiều lần ở người không thể giải quyết được vấn đề.

Cầu người làm việc gì phải nắm rõ tình huống, tìm đến phương hướng chủ công và chỗ then chốt, chớ để uổng phí công sức.

Lời không cần nói thì không nói, lời cần nói thì nhất định phải nói một cách hợp lý; việc không đáng làm thì không làm, việc đáng làm thì nhất định phải làm xong.

Ban Cố (Đời Hán)


Bài 30; Bài 31 (Đạo xử thế)

Bài 30: Giao du với tiểu nhân như đi trên băng mỏng

Giao du với quân tử, giống như đến mùa đông ngày cứ dài thêm mà mình không biết; giao du với tiểu nhân, giống như đi trên lớp băng mỏng, mỗi bước chân lớp băng cứ lún sâu một tí, chưa biết chìm lỉm trong lớp băng lúc nào? Ta không thấy người nào hiếu học mà lười biếng tụt lùi! Ta không thấy người nào dạy học trò cẩn thận giống như chăm sóc con bệnh! Ta không thấy người nào ngày ngày tiết kiệm mà mỗi tháng lại mua vui với bạn bè! Ta không thấy người nào cần mẫn học tập mà không cần sửa lỗi!

Giao du với quân tử, giống như đi vào trong phòng đầy cỏ thơm, hương thơm ngào ngạt, một thời gian lâu sẽ không còn thấy thơm, như vậy khứu giác đã bị cỏ thơm đồng hóa; giao du với tiểu nhân, giống như đi chợ mua bán mắm, mùi hôi tanh nồng nặc, một thời gian lâu sẽ không còn thấy mùi hôi tanh, như vậy khứu giác đã bị mắm hôi đồng hóa. Vì vậy, người quân tử đối với việc chia tay hoặc kết giao bằng hữu phải thật thận trọng.

Cổ nhân có nói : Ngàn năm xuất hiện một vị thánh nhân, khoảng cách đó ngắn ngủi như giữa sáng và chiều, năm trăm năm xuất hiện một vị hiền nhân, thời gian đó nhanh như bước chân này nối bước chân kia. Nói là bậc thánh nhân và hiền nhân khó có được, cách nhau bất quá cũng như vậy mà thôi. Một người khi còn trẻ tuổi, tinh thần, tính cách còn chưa ổn định, người mà họ quan hệ rất dễ có ảnh hưởng đối với họ. Bắt chước về cử chỉ, nói năng, dần dần bị nhiễm trở thành giống như đối phương lúc nào không hay. Bởi thế, sống chung với người tốt giống như ở chung với hoa chi, hoa lan, lâu ngày sẽ mang mùi thơm; sống chung với người xấu giống như bị xông mùi mắm, lâu ngày sẽ nhiễm mùi hôi. Người quân tử kết giao bằng hữu nhất định phải thận trọng. Khổng Tử có nói: ‘Không nên kết bạn với người không bằng mình’. Loại người như Nhan Uyên và Mẫn Tử Khiên (đều là học trò của Khổng Tử) ở đời đâu dễ có được, chỉ cần người nào ưu tú hơn ta thì ta phải sùng kính họ.

Giao du qua lại với người khác, nên chọn người đứng đắn lịch sự. Nếu quan hệ lung tung, cuối cùng nhất định sẽ hối hận, vả lại một thời gian lâu sẽ bị họ đồng hóa, cuối cùng muốn làm người tốt cũng không kịp.

Tăng Tử (Xuân Thu)

Bà 31: Phượng hoàng không cùng bầy với chim thường

Phượng hoàng không cùng bầy với chim thường, tuấn mã không thể ở chung chuồng với ngựa thường. Nam tử hán đại trượng phu đã không thể trở thành người gột rửa càn khôn nổi danh thiên hạ thì nên ẩn cư ở Thâm Sơn, mắt nhìn ngân hà, tay ôm tinh tú, nhất định không được trôi nổi ở đời, tự mang lấy hổ nhục.

Đường đường đấng nam nhi lập thân giữa trời đất, không vươn vai phỉ chí tang bồng, để thời gian trôi qua một cách vô vị, tham cầu an dật, không cầu tiến đức tu nghiệp, như vậy khác nào loài chim thú? Làm người phải như thế nào? Nhất thiết không được để người thân phải đau xót và kẻ thù vui mừng. Chăm chỉ cần cù, sáng tối đầu không được lười biếng. Gặp việc gì phải bên ngoài rõ đạo lý, bên trong có quyết đoán. Một nhúm lửa nhỏ có thể thiêu trụi cả Triều Dương, một ngọn gió nhỏ có thề liên kết lại thành cuồng phong. Sự vật tuy ở hạ đẳng nhưng ích dụng rất lớn, con người chẳng lẽ không có ích dụng gì ? Học tập phải tụ tinh hội thần, chuyên tâm chuyên chí. Tìm tòi đến cảnh giới thật cao, hướng đến những nơi thật xa. Xử lý công việc tinh tế, không sợ không thành hình ; dụng tâm tạo vật, không sợ không thành đồ. Bản thân cố gắng nỗ lực tối đa, nghe theo sự an bài của thiên mệnh, mới có thể không hổ thẹn với cha mẹ, vợ con. Làm như vậy thì suốt đời sẽ không truy lạc.

Viên Trung Đạo (Đời Minh)

Bài 32; Bài 33 (Đạo xử thế)

Bài 32: Có việc không nên làm mới làm nên việc

Bình nước vì đựng đầy mới đổ vỡ, ống tiền do trong ruột không có gì mới bảo toàn. Bởi vậy, người quân tử phẩm đức cao thượng, thà nguyện nằm ở địa vị không tranh, không giành, chứ không muốn đặt thân ở nơi có tranh có đoạt; cuộc sống thường ngày thà chịu thiếu một tí, chứ không yêu cầu quá đầy đủ.

Làm người phải biết rằng, có những việc không nên làm, sau đó mới có thể làm nên việc. Bạch Lý Hề là người nước Ngu, sau đó đến nước Tần làm khanh tướng, giúp Mục Công lập nên bá nghiệp. Bạch Lý Hề khi còn ở nước Ngu, người nước Tần dùng ngựa hay ngọc đẹp mua chuộc Ngu Công, mượn đường đánh nước Quắc. Đại thần nước Ngu đều đứng ra khuyên Ngu Công không nên nhận lời, riêng một mình Bạch Lý Hề không lên tiếng khuyên can, vì ông ta biết rằng Ngu Công sẽ không nghe bất cứ lời khuyên ngăn nào, khuyên cũng phí công vô ích. Ông ta không tử thủ ở nước Ngu, mà sang phò tá nước Tần, vì ông ta biết Ngu Công vô đạo, chắc chắn mất nước, còn Tần Mục Công mới là người có thể cùng hợp sức làm nên sự nghiệp. Ta cho rằng người giống như Bạch Lý Hề vậy mới là người thông minh chân chính.

Mạnh Tử (Chiến Quốc)

Bài 33: Châu sa vỡ vụn màu không đổi

Tử Liệt Tử bắn tên từng bắn trúng mục tiêu, đến thỉnh giáo Quan Doãn Tử về đạo lý bắn tên, Quan Doãn Tử hỏi ông ta vì sao bắn trúng mục tiêu, ông ta trả lời không biết. Quan Doãn Tử nói với ông ta: ‘Ngươi đã không biết vì sao bắn trúng mục tiêu, thì ta không thể đàm luận đạo lý bắn tên với ngươi’. Thế là Tử Liệt Tử trở về tiếp tục luyện bắn tên ròng rã ba năm, sau đó lại đi thỉnh giáo Quan Doãn Tử. Quan Doãn Tử hỏi ông ta hiện nay đã biết vì sao có thể bắn trúng mục tiêu chưa, ông ta trả lời biết rồi. Quan Doãn Tử căn dặn: ‘Đã biết rồi, ngươi phải giữ lấy nó, không được để mất nó’.

Không chỉ bắn tên mới cần hiểu rõ nguyên nhân bắn trúng và bắn không trúng mục tiêu, sự tồn vong của quốc gia, phẩm hạnh hiền đức và xấu xa của con người cũng đều có nguyên nhân. Thánh nhân không nên đi suy xét bản thân của tồn hoặc vong, hiền đức hoặc xấu xa.

Danh tiết của kẻ sĩ không dễ bị ô nhục, vì kẻ sĩ rất coi trọng danh tiết. Coi trọng danh tiết thì sẽ tôn quý nó hơn cả phú quý, lợi ích riêng sẽ không đủ để làm họ vui lòng. Người giống như vậy thì cho dù danh liệt thiên hạ, có ngàn vạn binh xa cũng không đủ làm lay chuyển tâm trí của họ.

Trí tuệ của con người sở dĩ có khác nhau, là vì có người biết nhìn xa trông rộng, có người tầm mắt thiển cận.

Sự liên quan giữa ngày nay và ngày xưa, sẽ giống như sự liên quan giữa ngày xưa với tương lai; sự liên quan giữa ngày nay với tương lai, cũng giống như sự liên quan giữa ngày nay với ngày xưa. Bởi vậy, hiểu rõ ngày nay thì có thể biết được ngày xưa, biết được ngày xưa cũng có thể biết được tương lai. Xưa nay trước sau là liền nhau một mạch.

Làm kẻ sĩ, đối mặt với chân lý không ngại gian nguy, đứng trước họa hoạn quên đi lợi ích riêng, xả thân vì nghĩa, coi trọng cái chết.

Đá có thể vỡ ra, nhưng không thể thay đổi tính cứng nhắc của nó; châu xa có thể nghiền vụn, nhưng không thể biến đổi màu đỏ son của nó. Cứng nhắc và màu đỏ son chính là bản tính và bản sắc vốn có của đá và châu sa.

Đọc sách xưa hẳn biết, các đại thần ngày xưa phò tá cho Tam Vương (ba đời vua : Vũ, Thanh và Văn Vương), thanh danh của họ không có ai không rạng ngời, lợi ích mà họ có được cũng không kém thua ai, vì công lao của họ rất lớn. Đại thần phò tá cho Tam Vương đều lập công cho nước nhà trước, sau đó mới hưởng lợi ích cá nhân. Đại thần phò tá cho những vị vua tầm thường, họ muốn có được thanh danh và thực lợi giống như đại thần của Tam Vương, nhưng thanh danh của họ không có ai không bị ô nhục, lợi ích của họ cũng không có ai không bị tổn hại, nguyên nhân chính là vì trong lòng họ không có nước nhà. Họ đều lo cho mình không được hiển quý ở trong nước, nhưng lại không lo vị vua của họ không hiển quý trong thiên hạ, đều lo nhà mình không được giàu có, lại không lo nước nhà không được giàu mạnh. Đây chính là nguyên nhân của việc vốn muốn vinh quang ngược lại càng bị sỉ nhục, vốn muốn an bình ngược lại ngày càng nguy hiểm.

Lã Bất Vi (Chiến Quốc)

Bài 34; bài 35 (Đạo xử thế)

Bài 34: Năm nhọt độc lớn tổn danh, hại thân

Mọi người cần khắc nhớ năm sai lầm lớn nhất làm tổn danh, hại thân, bôi nhọ tổ tiên, bại hoại gia phong:

Thứ nhất: Thích sung sướng an nhàn, không cam chịu cuộc sống đạm bạc, không chịu nghe ý kiến của người khác, rắp tâm làm những việc tự tâm tự lợi.

Thứ hai: Không hiểu học thuyết nho gia, không lấy làm hổ thẹn bởi không biết gì về kinh điển nho gia. Bản thân hiểu biết rất ít, lại ganh ghét người có học vấn.

Thứ ba: Ghét người hơn mình, thích người lấy lòng mình. Chỉ biết vui đùa cười cợt, không nghĩ đến đạo làm người đoan trang của người xưa. Nghe đến ưu điểm của người khác thì đố kỵ, nghe đến khuyết điểm của người khác thì rêu rao.

Thứ tư: Một mực chỉ muốn ăn ngon mặc đẹp, du sơn ngoạn thủy, lấy rượu làm cao nhã, xem lao động là nhục hèn, tạo thành thói quen này, nếu muốn tỉnh ngộ hối cãi là rất khó.

Thứ năm: Tham chức tham quyền, có chức quyền trong tay gây ra sự bất bình cho mọi người, như vậy khó giữ được chức vụ lâu dài.

Năm điều sai lầm trên còn nguy hại hơn cả nhọt độc. Nhọt độc còn có thể trị lành, còn năm điều sai lầm trên thầy thuốc cũng đành bó tay.

Đạo lập thân phải lấy hiếu thuận cha mẹ, tôn kính huynh trưởng làm nền tảng; cung kính, trầm tĩnh làm căn bản; cẩn thận, chu đáo làm cốt yếu; cần cù, tiết kiệm làm chuẩn tắc; lấy nhân thương, hòa thuận để giữ gia đình hạnh phúc; Lấy thành thực, cung kính để giữ tình cảm bằng hữu. Yêu cầu nghiêm khắc nhiều mặt đối với bản thân, vẫn sợ còn sơ suất; suy nghĩ ba lần mới nói, vẫn lo bị lỡ lời. Làm quan phải thanh liêm chính trực mới nói đến chấp pháp nghiêm minh; tuân thủ pháp lệnh mới nói đến bồi dưỡng nhân tài. Làm người ngay thẳng không đi tiếp cận việc họa. Lương bổng tuy ít, không được xem thường xương máu của bá tính; nắm quyền lớn trong tay, không được mặc ý hành động.

Liễu Tần (Đời Đường)

Bài 35: Gặp người chỉ nói ba phần lời

Gặp người chỉ nói ba phần lời, không được chút hết cả tấm lòng. Đó là kinh nghiệm xử thế của người xưa tránh để lời ra họa vào.

Đối với người lòng dạ khó lường, nói năng dè chừng, ta tạm thời không nên biểu lộ lòng chân thực; đối với người cố chấp bảo thủ, một mực tranh thắng, ta phải chú ý đề phòng lỡ lời. Thân ít mà lời nhiều, chút hết lòng dạ, cuối cùng đổi lấy những lời phỉ báng bạc đen, đây là điều mà mọi người lấy đó làm bài học.

Không biết mà nói là không sáng suốt, biết mà che giấu là không trung thành. Khi đáng im lặng lại nói, thì lời nói sẽ như bụi bẩn; khi đáng nói lại lặng im, thì sự lặng im này sẽ như bụi đất. Lúc không đáng nói lại đi bàn luận, đây là người có dụng ý khác; khi đáng nói lại không hé miệng một tiếng; đây là sự biểu hiện ngu đần.

Con người sở dĩ là người được là vì nó nói được. Gặp lúc nên nói lại không nên tiếng, sao có thể gọi là người?

Lúc nên nói lại không mở một lời, giống như chuông trống đánh không kêu, bất quá là thứ chuông trống phế bỏ vô dụng. Kết giao bằng hữu nhất định phải chọn bạn tốt, chưa hiểu nhau nhiều không được nghiêng lòng chút ruột.

Lúc tri âm dành cho người tri âm, không phải tri âm không lộ tâm tình. Trước mặt người thật không nói dối. Đối nhân xử thế, lời nói tối kỵ không giữ lại tí gì, thông minh tối kỵ dốc ra toàn bộ, việc tốt tối kỵ chiếm hết về mình.

Bàn luận về người khác chỉ nên tán dương ưu điểm của họ, đối với khuyết điểm của họ nên cho qua, không được nói toạc ra sai lầm của người khác. Như vậy không chỉ tu thân dưỡng đức mà còn đỡ chuốc lấy oán hận. Nếu muốn khuyên nhủ người khác, cũng chỉ nói một cách khéo léo, không được nói quá mức.

Bàng Thượng Bằng (Đời Minh).

Bài 36; Bài 37 (Đạo xử thế).

Bài 36: Hãy là người sống có ích với người khác

Sống ở đời, mỗi lời nói và mỗi việc làm đều phải có ích đối với người khác, người như vậy mới chính là người lương thiện. Chúng ta thường nói đến loài chim, tuy cùng loài, nhưng nghe nói đến tiếng chim loan và phượng hoàng thì yêu thích, nghe đến chim cú thì căm ghét, vì chim loan và phượng hoàng đều đem đến hạnh phúc cho mọi người, còn chim cú thì gây ra tai họa cho mọi người. Cùng là loài thảo mộc, nhưng đối với cỏ độc thì mọi người tránh xa, đối với nhân sâm, phục linh thì coi như bảo bối, vì cỏ độc có thể hại người, còn nhân sâm, phục linh có ích cho người. Một người có thể bằng mọi cách để mỗi lời nói, mỗi hành động của mình có ích cho mọi người, tuyệt đối không làm điều có hại cho người khác, người như vậy sẽ được ngưỡng mộ giống như chim loan và phượng hoàng, được quý trọng giống như nhân sâm phục linh. Người như vậy nhất định sẽ được trời đất che chở, quỷ thần cũng khâm phục, hưởng nhiều phúc thần. Đạo lý đó là hiển nhiên dễ thấy.

Trương Anh (Đời Thanh)


Bài 37: Che dấu khuyết điểm của người khác

Phát hiện người khác có khuyết điểm sai lầm, phải biết che dấu họ một cách thật khéo léo, nếu như vạch trần ra trước mặt đông người, như vậy không chỉ tổn thương đến lòng tự tôn của người khác, mà còn chứng minh sự vô tri và thiếu đức của mình, là dùng sở đoản của mình công kich sở đoản của người khác. Khi phát hiện người nào đó có tính ngu xuẩn, cố chấp, phải từ từ khuyến dụ khơi gợi cho họ một cách nhẫn nại, giả như chán ghét họ, thì không thể không chỉ làm thay đổi tính ngu xuẩn, cố chấp của họ, mà đồng thời cũng chứng minh tính ngu xuẩn, cố chấp của mình, giống như dùng ngu xuẩn giúp đỡ ngu xuẩn.

Thời chiến quốc, Tề Cảnh Công có con ngựa quý, người chăn ngựa do chăm sóc không xuể nên đem giết nó, Cảnh Công rất nổi giận, cầm gươm muốn giết chết gã ta. Án Tử lập tức bước lên thỉnh cầu Cảnh Công: ‘Làm như vậy gã ta không biết mình bị xử chết vì tội gì, xin để hạ thần trách phạt gã ta, để cho gã ta biết tội’. Cảnh Công nói : ‘Được’.

Án Tử cầm gươm nói với người chăn ngựa : ‘Ngươi thay bọn ta chăn ngựa cho quân vương mà lại giết ngựa, tội đáng chết; ngươi khiến cho quân vương vì con ngựa mà nỡ giết đi người chăn ngựa, thêm một tội đáng chết; ngươi khiến cho quân vương vì coi trọng súc vật, xem nhẹ nhân dân, để nước láng giềng hay biết, tội càng đáng chết’.

Cảnh Công nghe Án Tử nói xong bèn đổi ý: ‘Ngươi hãy tha cho nó đi! Kẻo làm tổn hại đến nhân đức cuả ta’.

Hồng Ưng Minh (Đời Minh)