Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Bài 44; bài 45 (Đạo xử thế)

Bài 44:
Cần phải xét kỹ lời nói từ nhiều phía

Nghe nhiều thì sáng, cả tin thì tối. Nghe lời nói xấu của người khác, không thể dễ dàng tin ngay, phải xem nhân phẩm của người nói xấu và người bị nói xấu như thế nào, đồng thời phải tự mình quan sát qua một thời gian. Nếu nghe lời nói xấu của người khác mà vội tin ngay, cũng không nghĩ xem lời nói xấu đó từ đâu mà ra, như vậy sẽ oan cho người.
Dễ dàng tin vào lời bàn tán của người khác, làm sao biết người ta không đặt chuyện để hại người? Bởi thế nên suy nghĩ kỹ rồi mới quyết định; khi xảy ra chuyện tranh chấp với người, làm sao biết mình đúng hay sai? Do đó, nên bình tĩnh suy nghĩ, để phân rõ phải trái.
Không thể chỉ vì người nào đó nói năng khôn khéo được lòng mình, mà mình tiến cử trọng dụng họ; không thể vì họ không được lòng mình mà mình lại phế thải họ hoặc không nghe những ý kiến đúng đắn của họ.
"Người trí" cũng có "ngàn đúng mắc một sai", người thông minh tài giỏi không hẳn mọi việc đều tường tận, nói ra đều đáng tin. "Người ngu" cũng có "ngàn sai được một đúng", người ngu khờ vụng dại không hẳn mọi việc đều mù mờ, nói ra đều không đáng tin.
Không lan tin chuyện hoang đường không có căn cứ, chớ quan tâm lời bịa đặt ở cửa miệng thế gian. Tin vào ý kiến sai lầm sẽ đem đến nhiều tai hại, tin vào chuyện hoang đường sẽ đưa đến thất bại.
Dễ dàng tin vào lời người khác và vội có phản ứng, đây là điều tối kỵ trong giao tiếp. Nghe người khác nói chuyện tất nhiên có thể hiểu được người, nhưng dễ tin vào lời người khác sẽ dẫn đến phán đoán sai lầm về người.

Tư Mã Quang (Bắc Tống)

Bài 45:
Đường dài biết sức ngựa

Đường dài biết sức ngựa, lâu ngày rõ lòng người. Qua cơn bão táp mới thấy cây có vững trãi hay không; trong hoạn nạn mới tỏ rõ ý chí kiên cường và khí tiết chính trực của con người.
Người dùng tiền của để thử, vàng dùng lửa để nung. Thử thách một người có thể dùng tiền tài để lường thử, kiểm tra vàng có thể dùng phương pháp nung lửa để quan sát.
Người quân tử không chỉ dựa vào cử chỉ mà dễ dàng hoài nghi người, cũng không thể dựa vào lời nói mà dễ dàng tin người. Không thể chỉ căn cứ vào lời tán dương hay bôi nhọ nhất thời để phán đoán người đó là quân tử hay tiểu nhân.
Con người không thể nhìn mặt, nước biển không thể đong lường. Người bên ngoài quá cung thuận, trong lòng tất cay nghiệt chua ngoa; người nịnh hót trước mặt người khác, sẽ nói xấu sau lưng người khác; người thích bàn tán về người khác, thường ít xét lại bản thân; người nói năng thận trọng, lời nói ra được cân nhắc đắn đo kỹ lưỡng; người nói thao thao bất tuyệt, lời nói thường thiếu trách nhiệm.
Đùn đẩy trách nhiệm cho người, giành lấy công lao về mình, đây là hành vi của kẻ tiểu nhân; che giấu sai lầm, khoe khoang công lao của mình, đây là hành vi của người tầm thường; danh tiếng nhường cho người, thành tích quy cho người, đây là hành vi của bậc quân tử; chia sẻ trách nhiệm của sai lầm, đồng thời tiếp thu lời chỉ trích phê bình, đây là hành vi của người đạo đức cao thượng.
Người có thái độ ngạo mạn, xem thường người khác, nhất định là người kiến thức nông cạn; người hoài nghi người khác hành vi bất chính, thường là loại tiểu nhân phẩm đức không tốt. Yêu thích người nào đó, cũng nên tìm hiểu khuyết điểm của họ; nghét người nào đó, cũng nên biết ưu điểm của họ. Người xưa cho rằng, nhìn người nên tránh dùng tình cảm yêu ghét để đánh giá phải trái.

Tống Huân (Đời Minh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét