Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Bài 38; Bài 39 (Đạo xử thế)

Bài 38: Tùy cơ ứng biến (hoạt)

Dĩ kỳ nhân chi đạo trị kỳ nhân chi thân.

Người xưa chủ trương đối phó và sửa trị người xấu bằng cách lấy cái đạo của người để trị lại người, cho đến khi nào họ cải thiện mới thôi.

Không thể cùng với người đa tình bàn luận về vấn đề đẹp xấu; không thể cùng với người trọng tình nghĩa bàn luận về vấn đề cho nhận; không thể cùng với người tranh cường háo thắng tranh chấp thắng bại; không thể cùng với người cao hứng thương lượng vấn đề bỏ lấy; không thể cùng với người nghiện rượu hay say đàm luận chuyện thị phi.

Khí độ phong thái mang ở trong người, kiểm tra đánh giá là do người khác. Người ta thích ta, ta nhất định thích họ; người khác ghét ta, ta tất nhiên cũng ghét họ. Trong quan hệ giao tiếp, không cần phải quá đặt nặng ý kiến của người khác, đối với người không tốt cũng nên thẳng thắn đáp trả họ với thái độ như vậy.

Nói chuyện với người địa vị cao quý nên phong thái hiên ngang; nói chuyện với người có tiền nên rộng rãi phóng khoáng; nói chuyện với người nghèo khó nên chú trọng lợi ích.

Đối với người quá câu lệ lễ tiết, không được quá thân thiết tùy tiện với họ; đối với người theo đường lối bảo thủ, không được thảo luận biện pháp cải cách với họ. Người không cùng tư tưởng chí hướng, bất tất cùng nhau mưu sự; người cùng chí hướng mới có thể cùng mưu đại nghiệp.

Người lắm điều nhiều chuyện không được cho mưu hoạch đại sự; người hành động tùy tiện không được cho cộng sự lâu dài; người tầm mắt thiển cận, lòng dạ hẹp hòi không được cho thương nghị việc lớn.

Ở bên cạnh người lùn chớ nói chuyện lùn, đứng trước mặt người lùn không được chế nhạo người lùn. Chê cười những khiếm khuyết và khuyết điểm trước mặt người khác, xem thường lòng tự tôn của người khác, đây là điều đại kỵ của lập thân xử thế, cũng là hành vi không có đạo đức.

Nói chuyện với người thông minh, phải học thức uyên bác; nói chuyện với người học rộng, phải giỏi suy biện; nói chuyện với người giỏi biện luận, phải biết nêu chỗ cốt lõi. Đứng trước người ưu tư lo lắng không được tỏ ra hào hứng phấn chấn; đứng trước người đau buồn khóc than không được hớn hở cười đùa; đứng trước người không đắc chí không được huênh hoang tự đại. Đối với tiểu nhân không nên thân thiết, nhưng không được công khai và đối địch; đối với quân tử nên gần gũi thân cận, nhưng cũng không được uốn mình theo người. Xử phạt bậc quân tử, phải dùng biện pháp khiến cho họ hổ thẹn tâm linh; xử phạt kẻ tiểu nhân, phải dùng phương pháp trừng phạt thể xác hoặc khiến cho họ cảm thấy đau đớn về xác thịt. Tránh né sở trường của đối thủ, công kích sở đoản của đối thủ; thi triển sở trường của mình, xa tránh sở đoản của mình.

Chu Hy (Nam Tống) (1130-1200)

Bài 39: Đạo trung dung

Làm người xử thế không nên thái quá cũng không nên bất cập. Dốc toàn tâm tận lực làm việc vốn là một phẩm đức rất tốt, nhưng quá hết mình khiến tâm lực suy kiệt, tinh thần không được điều hòa thì sẽ mất đi lạc thú của cuộc sống. Xem thường công danh lợi lộc vốn là một phẩm chất cao thượng, nhưng quá thanh tâm quả đục sẽ không cống hiến được gì cho xã hội đại chúng.

Danh dự và tiết tháo cho dù hoàn mỹ đến đâu cũng không nên độc chiếm một mình, mà cần phải san sẻ một phần cho người khác, như vậy mới không bị mọi người ganh ghét gây ra tai họa; hành vi của thanh danh cho dù bị sỉ nhục đến đâu cũng không được đùn đẩy toàn bộ cho người khác mà tự mình phải gánh lấy một phần, chỉ có như vậy mới có thể che dấu được trí năng của mình, đồng thời tích thêm một phần tu dưỡng phẩm đức.

Người thời nay nói tận ý, làm tận lực, dốc hết tâm cơ, làm rất hết mình, không chừa lại một chút gì, không chịu nhường cho ai một tý gì, như vậy mới thỏa mãn. Người xưa cho rằng: lời không được nói hết, việc không được làm hết, thế không được dốc hết, phúc không được hưởng hết, tiện nghi khộng được chiếm hết, thông minh không được dùng hết. Việc không được làm quá tuyệt, lời không được nói quá tổn. Xử lí việc phải lưu lại phần nào, trách người tòng thiện không được nói cạn lời. Phê bình xử phạt sai lầm của người khác, phải chừa lại cho họ một lối thoát để cải chính; khuyến khích người khác làm việc tốt, phải nghĩ đến khả năng tiếp nhận và mức độ đạt được của họ. Cung quá căng thì gãy, trăng quá đầy thì khuyết, gặp người chỉ nói ba phần lời, chớ chút hết cả tấm lòng.

Đạo trung dung này đạt đến cảnh giới tối cao. Đối nhân xử thế không nên thái quá, cũng không nên bất cập. Thái quá và bất cập đều là sai lệch mục tiêu, không thể trúng đích. Có thể lo cho thiên hạ người người lo đủ (trí và năng) quan cao lộc hậu có thể kiên quyết khước từ (nhân), binh đao nguy hiểm có thể quả cảm xông tới (dũng), nhân trí dũng đều có đủ, nhưng muốn đạt được trung dung thì vẫn không thể. Trung dung là diệu cảnh trong tâm trí của nho gia, là nghệ thuật, là lý tưởng chí cao chí mỹ, cần thiết để mọi người luôn luôn cảnh tỉnh.

Khổng Tử (Xuân Thu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét