Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Bài 80; Bài 81 (Đạo xử thế).

Bài 80
Việc gì cũng phải nghĩ từ mặt trái của nó

Rõ ràng biết nhưng lại tự cho là không biết, đó là bậc cao minh chân chính; thực tế không biết nhưng lại tự cho là biết, ấy chính là bệnh. Chính vì biết bệnh là bệnh, nên sẽ không bị bệnh. Thánh nhân sở dĩ không phạm sai lầm, là vì biết bệnh là bệnh, nên không mắc sai lầm.
Định thâu tóm nó, phải tạm thời mở nó ra; định làm yếu nó phải tạm thời làm nó mạnh lên; định phế trừ nó, phải tạm thời đưa nó lên; định nhận lấy nó về thì phải tạm thời cho nó đi. Đó là mưu lược cao minh vi diệu, cũng là đạo lý nhu nhược thắng cương cường. Cá không thể rời khỏi nước, cũng như thủ đoạn quyền mưu của quốc gia không thể tuỳ tiện nói cho người khác biết.
Nhón gót lên để muốn đứng cho cao, kết quả là đứng không vững; xoạc chân cho rộng để muốn đi cho nhanh, kết quả là không đi được. Cố hết sức để thể hiện mình, ngược lại lại không thể bộc lộ được bản thân; tự cho mình là phải, ngược lại lại không thể phân biệt rõ phải trái; cố tâng bốc mình, ngược lại lại không thể lập lên công tích; người tự cao tự đại thì không thể hơn người. Những tình huống trên nếu lấy tiêu chuẩn của "Đạo" mà xét thì coi như là "cơm dư", "thịt thừa", mọi người ai cũng rất ghét nó, do đó người có "Đạo" sẽ không làm như vậy.
Dũng mà cương, không nghĩ gì cả thì sẽ chết; dũng mà nhu mì vô vi thì sẽ sống. Kết quả của hai loại dũng cảm, có loại gặp tai hoạ, có loại thu được lợi ích. Cái chỗ ghét của trời, không có ai biết được duyên cớ ở trong đó, cho nên kể cả thánh nhân cũng khó nói rõ đạo lý. Quy luật của tự nhiên là không tranh mà lại thắng, không nói mà có người nghe, không mời mà tự đến, hành động có vẻ chậm chạp mà thực tế lại giỏi mưu hoạch. Lưới trời lồng lộng thưa mà chẳng lọt.
Dùng phương pháp ngay thẳng mà trị nước, dùng phương pháp nguỵ trá mà đánh địch, dùng nguyên tắc tự nhiên vô vi mà thống nhất thiên hạ. Nhưng ta làm sao biết được như vậy? Chính là căn cứ vào chỗ: Thiên hạ càng có nhiều lệnh cấm thì dân chúng càng trở nên bần cùng; dân gian càng có nhiều lợi khí thì nước nhà càng hỗn loạn; người dân càng đa mưu xảo trí thì các loại vật lạ càng xuất hiện nhiều; pháp lệnh càng cụ thể rõ ràng và chu mật thì trộm cướp càng tăng nhiều. Bởi vậy thánh nhân mới nói: Ta không cố làm, thế mà dân chúng tự nhiên quy hoá; ta an tĩnh, thế mà dân chúng tự nhiên chấn chỉnh; ta không đa sự, thế mà dân chúng tự nhiên no đủ; ta không có dục vọng, thế mà dân chúng trở nên thuần phác.
Chính trị nhân hậu, khoan dung, thì dân chúng chân thực thuần phác; chính trị hà khắc, ngặt nghèo, thì dân chúng giảo hoạt lỗi lầm. Bên hoạ có phúc, trong phúc có hoạ, có ai biết chỗ rốt cùng của biến hoá đó, nên biết rằng ở đây không có một tiêu chuẩn nào. Bình thường sẽ biến thành phản bình thường bất cứ lúc nào, lương thiện cũng biến thành xấu xa bất cứ lúc nào. Sự mê hoặc của con người ở phương diện này đã có từ lâu rồi. Bởi vậy, người đắc đạo đứng đắn mà không tỏ ra cứng nhắc, cảm hoá người mà không làm tổn thương, thẳng thắn chính trực mà không bừa bãi, không kiêng kị, người sáng mà không chói loà.
Lão Tử (Xuân thu)

Bài 81:
Biết người mới khéo dùng người

Biết cái lớn, bỏ cái nhỏ đó là "đạo vua", cũng là nguyên tắc cơ bản mà mỗi người quản lý đều phải nắm lấy. Cần nhớ lấy: làm quan, phải biết biến cái không thể thành cái có thể.
Tục ngữ có nói: "Thước có sở đoản, tấc có sở trường". Dùng người phải hiểu được đạo lý đó. Khéo dùng sở trường của người, là yếu tố quan trọng hàng đầu đưa đến thành công.
Người và người là không giống nhau; đất có cao thấp, tính có hiền ngu. Nên biết thế nào là thánh nhân, thế nào là trí giả, thế nào là anh hùng, thế nào là hào kiệt, thế nào là nho, pháp, thuật, đạo,..? Biết được định nghĩa đích thực của các loại người, thì làm người mới biết được mình nên làm người như thế nào, sử dụng người rồi, mới biết được, nên sử dụng người như thế nào.
Tạo vật phải biết tận dụng vật liệu, dùng người phải tuỳ vào "bản tính". Dùng một loại nhân tài, thì lập nên một loại sự nghiệp. Triệu Vương sử dụng Triệu Quát mà mất nước, Gia Cát Lượng sử dụng Mã Tốc mà cơ nghiệp tiêu tan, những điều giáo huấn xương máu đó đủ để nhắc nhở chúng ta coi trọng việc dùng người.
Biết người mới có thể sử dụng người được, biết người là điều kiện tiên quyết căn bản nhất trong việc sử dụng người hợp lý. Nhưng lại có câu: "Biết người, biết mặt, nhưng không biết lòng", chứng tỏ biết người là rất khó. Làm thế nào để vừa biết người, lại biết cả lòng, cổ nhân đã cung cấp cho chúng ta nhiều kinh nghiệm phong phú.
Nhân tài khó được, muốn lập lên một loại sự nghiệp, trước hết phải chọn được một loại nhân tài. Có Tề Hoàn Công có thành ý cầu hiền tài, Lưu Bị ba lần tới lều tranh thỉnh cầu Khổng Minh, mới có được người tài, lập lên sự nghiệp.
Vua anh minh, bề tôi hiền tài, cần đưa ra thể chế quản lý để hoàn thiện, mới có nền chính trị trong sáng. Quốc gia như vậy, bộ ngành như vậy, quân đội cũng như vậy, bất cứ một đơn vị "trị nhân" hay "nhân trị" nào cũng phải như vậy.
Làm vua bất luận là minh quân hay hôn quân, đều muốn gọi bá tính là lương dân, thuận dân, nhưng ở trong mắt bá tính thì vua nên như thế nào đây?
Từ trung ương đến địa phương, quan lại liên kết với nhau tạo thành một tầng cấp đặc biệt. Nó là đầu mối then chốt, mọi chuyện đều diễn ra ở đó, nước nhà hưng vong phần lớn do tầng lớp đó quyết định.
Quốc gia hưng suy thành bại, then chốt là ở chỗ dùng người, mà quan trọng nhất của việc dùng người là phải biết ưu điểm và khuyết điểm của mỗi quan viên, đồng thời biết sử dụng sở trường và tránh sở đoản của họ. Một phải biết người, hai phải biết dùng người.
Thời đại thay đổi, phương châm trị quốc cũng phải thay đổi. Ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, mưu lược trị quốc cũng cần thay đổi để thích ứng với sự phát triển của xã hội đương thời.
Từ bạn kết thành bè, từ bè kết thành đảng, từ đảng kết thành phe cánh, người cùng chí, hợp đạo với mình liên kết lại càng lúc càng nhiều, phạm vi thế lực lấy mình làm trung tâm càng lúc càng lớn mạnh, hừng hực khí thế, cuối cùng phát triển thành cuộc diện không thể ngăn cản. Rồi một ngày thời cơ chín muồi, nhất tề đứng dậy, thiên hạ hưởng ứng, giành lấy chính quyền một cách dễ dàng. Đó chính là con đường đoạt lấy thiên hạ của các đế vương thời xưa.

Triệu Nhuỵ (Đời Đường)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét